Một số hoạt động nổi bật trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá ở Gia Lai

Ngày đăng: 16/02/2023, 09:57

Từ Hội nghị văn hoá toàn quốc đến nay, văn hoá nói chung, di sản văn hoá nói riêng đã nhận được sự quan tâm sâu sát của các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương. Trước đây, mặc dù có thời gian lĩnh vực này chưa được quan tâm đúng mực, cùng với một số khó khăn nhất định nhưng ngành văn hoá, thể thao và du lịch Gia Lai đã rất cố gắng để bảo tồn và phát huy được tốt nhất những giá trị di sản văn hoá độc đáo của tỉnh nhà. Có thể kể ra một số thành tựu ngành đã đạt được trong quãng thời gian dài về lĩnh vực này, mà chủ yếu là trong hơn 5 năm gần đây.
Về công tác quản lý hành chính, ban hành văn bản, căn cứ Luật Di sản văn hoá và các văn bản có liên quan, Uỷ ban nhân dân tỉnh Gia Lai đã ban hành một số văn bản quản lý hoạt động này tại địa phương như Quyết định số 801/QĐ-UBND ngày 16/11/2017 ban hành Quy định quản lý, bảo vệ di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia trên địa bàn tỉnh Gia Lai; Quyết định số 312/QĐ-UBND ngày 06/7/2018 về việc phê duyệt Danh mục kiểm kê di tích và dự kiến lập hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích giai đoạn 2018-2023 trên địa bàn tỉnh Gia Lai; Chỉ thị số 10/CT-UBND ngày 01/6/2021 về việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

Di tích An Khê trường, thuộc quần thể di tích quốc gia đặc biệt Tây Sơn Thượng đạo


Các Nghệ nhân Ưu tú (được phong tặng đợt 3, năm 2022)
nhận danh hiệu cao quý của Chủ tịch nước

Về di sản văn hoá vật thể, đến tháng 01 năm 2023, toàn tỉnh có 37 di tích, cụm di tích đã được xếp hạng, gồm: Quần thể di tích lịch sử Tây Sơn Thượng đạo với 09 cụm di tích, di tích khảo cổ Rộc Tưng – Gò Đá được xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt, 07 di tích quốc gia và 20 di tích cấp tỉnh; công tác tu bổ, tôn tạo, phục hồi, chống xuống cấp các di tích đã xếp hạng được quan tâm; có 02 hiện vật, bộ hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia, gồm: Phù điêu Phật Chămpa Tây Nguyên (công nhận năm 2017) và Sưu tập công cụ sơ kỳ đá cũ An Khê (công nhận năm 2023); có 27 hiện vật, bộ hiện vật (với tổng số 43 hiện vật) đã được đăng ký cổ vật.
Về di sản văn hoá phi vật thể, từ năm 2011 đến nay, Ngành đã thực hiện kiểm kê được 456 hồ sơ trên địa bàn toàn tỉnh; tỉnh Gia Lai có 3 di sản được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia, gồm: Không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên (toàn tỉnh), Sử thi của người Bahnar (các huyện Đak Đoa, Đak Pơ, Kbang, Kông Chro), Lễ Cầu mưa của Yang Pơtao Apui (Plei Ơi, xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện); có 32 Nghệ nhân Ưu tú được Chủ tịch nước vinh danh qua 3 đợt tổ chức xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hoá phi vật thể. Nhiều lớp học chỉnh chiêng, tạc tượng, đan lát, dệt thổ cẩm cho các học viên là người dân tộc Bahnar, Jrai được tổ chức và duy trì ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh. Một số nghi lễ, lễ hội dân gian được phục dựng; nhiều công trình nghiên cứu, sưu tầm ngữ văn dân gian, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa được các cá nhân, tổ chức trong và ngoài tỉnh triển khai, sản phẩm nghiên cứu được in ấn, xuất bản. Các đoàn nghệ nhân Bahnar, Jrai luân phiên tham gia các hoạt động giao lưu, biểu diễn văn hoá, văn nghệ truyền thống trong và ngoài tỉnh; nhiều hội thi, hội diễn, lễ hội được tổ chức định kỳ với quy mô từ cấp xã đến khu vực Tây Nguyên như: Hội thi Văn hóa - Thể thao các dân tộc thiểu số, hội diễn nghệ thuật quần chúng, liên hoan cồng chiêng, Festival văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên tại tỉnh Gia Lai…
Về bảo tàng, Bảo tàng tỉnh Gia Lai sau thời gian hoạt động, với sự đảm bảo về cơ sở vật chất, các tiêu chí theo quy định, đã được nâng cấp từ bảo tàng hạng III lên bảo tàng hạng II năm 2019. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có Bảo tàng Quân đoàn III và một số nhà trưng bày, nhà truyền thống.
Về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực di sản văn hoá, kể từ năm 2015 đến nay, tỉnh Gia Lai đã nhận được sự giúp đỡ quan trọng của các chuyên gia của Nga và Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp trong hai hoạt động lớn là tổ chức khai quật khảo cổ tại thị xã An Khê và dập, dịch văn bia Chămpa tại huyện Đak Pơ. Kết quả khai quật khảo cổ đã phát hiện nhiều hiện vật có giá trị rất quan trọng, có niên đại khoảng 80 vạn năm cách ngày nay, điển hình là bộ rìu tay sơ kỳ Đá cũ An Khê là bằng chứng sinh động về văn hoá của cộng đồng cư dân sơ kỳ Đá cũ cách đây khoảng 80 vạn năm trên đất Gia Lai, và cũng là mốc mở đầu của lịch sử Việt Nam. Sau kết quả nghiên cứu này, di tích Rộc Tưng - Gò Đá (thuộc thị xã An Khê) đã được UBND tỉnh Gia Lai xếp hạng là di tích cấp tỉnh ngày 15/01/2018, sau đó được nâng hạng thành di tích quốc gia ngày 04/11/2020 và vừa được nâng hạng thành di tích quốc gia đặc biệt theo Quyết định số 1649/QĐ-TTg ngày 29/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Di tích này đã bổ sung tư liệu mới trong nghiên cứu về giai đoạn lịch sử xa xưa nhất của Việt Nam và góp phần thay đổi nhận thức về đời sống cư dân đầu tiên ở Việt Nam; những di tồn văn hoá khảo cổ kỹ nghệ An Khê thuộc di tích Rộc Tưng – Gò Đá đã bổ sung vào bản đồ sơ kỳ Đá cũ của thế giới và con đường hình thành văn hoá đầu tiên của nhân loại. Nội dung văn bia đá Chămpa tại Đak Pơ cho biết thuộc thời kỳ Vương quốc Chăm Pa thế kỉ 15, giúp chúng ta hiểu biết thêm về một giai đoạn lịch sử văn hoá của địa phương.
Năm 2022, Ban Quản lý di tích quốc gia đặc biệt tỉnh Gia Lai được thành lập, hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm, có chức năng giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh thực hiện việc quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích, cụm di tích quốc gia đặc biệt trên địa bàn tỉnh Gia Lai theo quy định của pháp luật.
Những thành tựu điển hình kể trên đã cho thấy sự cố gắng, tâm huyết của toàn ngành văn hoá, thể thao và du lịch tỉnh Gia Lai trong lĩnh vực di sản văn hoá. Tuy nhiên, công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá này cũng không thể tránh khỏi những hạn chế, khó khăn trong quá trình thực hiện. Một khó khăn cơ bản có thể kể ra là việc tỉnh Gia Lai đến nay vẫn không có Ban Quản lý di tích hay Trung tâm Bảo tồn di tích chung cho cả tỉnh. Trước năm 2018, toàn bộ công việc lập hồ sơ khoa học di tích được giao cho Bảo tàng tỉnh Gia Lai. Từ khi ban hành Quyết định số 801/QĐ-UBND, việc lập hồ sơ được giao thêm đến UBND cấp huyện. Từ đó đến nay, số lượng di tích được xếp hạng đã tăng đáng kể. Tuy nhiên, biên chế của các cơ quan thuộc ngành từ cấp tỉnh đến huyện khá hạn chế theo chỉ tiêu, nhưng phải kiêm nhiệm nhiều công việc, hoạt động khác của ngành. Do đó, việc lập và thẩm định hồ sơ tích chưa đạt được hiệu quả cao như mong muốn và chưa tương xứng với tiềm năng của địa phương.
Một khó khăn khác trong lĩnh vực di sản văn hoá phi vật thể là chế độ, chính sách đãi ngộ đối với nghệ nhân lĩnh vực này chưa đảm bảo cho việc phát huy khả năng thực sự của họ. Tại Nghị định số 109/2015/NĐ-CP ngày 28/10/2015 về việc hỗ trợ nghệ nhân Nhân dân, nghệ nhân Ưu tú có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn, mức hỗ trợ là rất thấp so với mức sống chung, chưa kể mức hỗ trợ này chỉ áp dụng đối với người có hoàn cảnh khó khăn, kèm theo những tiêu chí bắt buộc. Trong khi đó, Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú là những người được Nhà nước và cộng đồng công nhận tài năng, để đảm bảo cuộc sống của họ, lẽ ra mức hỗ trợ không nên căn cứ vào điều kiện, hoàn cảnh gia đình mà nên căn cứ vào khả năng thực hành và truyền dạy di sản.
Cũng ở nội dung này, hầu hết Nghệ nhân Ưu tú của Gia Lai đều đã lớn tuổi, một số đã mất nên việc lưu giữ, truyền dạy di sản đứng trước một khó khăn lớn. Nghệ nhân mất đi mang theo di sản văn hoá phi vật thể mà họ nắm giữ, phần đa giới trẻ ngày nay lại hạn chế trong việc tiếp nối truyền thống văn hoá của dân tộc là một nguyên nhân dẫn đến sự mai một của những di sản này.
Hiện còn khá nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai công tác quản lý và bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu của hiện tại, cùng với tâm huyết của những người làm nghề, ngành văn hoá, thể thao và du lịch đã, đang và sẽ cố gắng lựa chọn phương án tốt nhất để triển khai hiệu quả nhất công việc của mình.
Sở sẽ tiếp tục tham mưu và triển khai hiệu quả các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá nói chung ở các địa phương, theo định kỳ, nhằm phát huy cao nhất những giá trị di sản văn hoá trong thời gian dài mà điển hình là Đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản Không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên trên địa bàn tỉnh Gia Lai giai đoạn 2023-2025 đã được Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt. Trong năm 2023, một số hoạt động văn hoá lớn dự kiến được triển khai tại tỉnh có: Ngày hội Văn hoá các dân tộc thiểu số tỉnh Gia Lai lần thứ Hai, trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham mưu Thủ tướng về tổ chức Festival văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên tại tỉnh Gia Lai lần thứ Hai; tham gia các hoạt động ngoài tỉnh: Ngày hội Văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc miền Trung lần thứ III tại tỉnh Bình Định; ngày hội Văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc Tây Nguyên lần thứ I tại tỉnh Kon Tum; ngày hội Trình diễn cây Nêu và giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc Việt Nam lần thứ II, tại tỉnh Đắk Lắk... Đây là những hoạt động góp phần quan trọng trong việc quảng bá những di sản văn hoá độc đáo của tỉnh nhà, cũng là hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị những di sản văn hoá hiện có của địa phương./.
Bài và ảnh: Thuý Phương - QLVH

Tra cứu thông tin

Quy hoạch - Kế hoạch

Dự án đầu tư – Mua sắm công