Pleiku giàu bản sắc văn hóa, ẩm thực

Ngày đăng: 15/02/2023, 07:19

Pleiku, thành phố sương mờ, dốc và thông xanh đã trở thành thương hiệu của phố núi thơ mộng, bên cạnh đó còn ghi dấu trong lòng người dân và du khách phương xa về một vùng đất giàu bản sắc văn hóa bản địa. Trong đó, ẩm thực truyền thống là một trong những sản phẩm góp phần tạo nên thương hiệu du lịch của thành phố.
Ẩm thực từ làng ra phố
Không cần về tận các làng đồng bào dân tộc thiểu số như trước đây, ngày nay chỉ cần đến những quán mang phong cách truyền thống cũng có thể thưởng thức các món ăn đặc sản từ làng. Bên cạnh ẩm thực, du khách có thể được trải nghiệm những loại hình văn hóa truyền thống như đánh chiêng, xoang hay thưởng thức các loại nhạc cụ dân tộc do chính những người con sinh ra và lớn lên từ làng biểu diễn - họ chính là những chủ nhân của văn hóa, di sản bản địa.
Đến thành phố Pleiku làm khách, du khách không thể bỏ qua những quán ăn chuyên về các món ăn truyền thống do chính người đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống lâu đời tại đây làm chủ như: Quán gà nướng - cơm lam Ksor Hnao, Quán Plit, Quán Plây cồng chiêng, Quán Bazan, Quán Tơ nưng…đây là một trong những địa chỉ tiên phong trong việc đưa ẩm thực truyền thống từ làng ra phố. Từ những món ăn bình dân trong gia đình như gà nướng, cơm lam, thịt xiên, lá mì, cà đắng, tép đùm lá chuối… là thực phẩm quen thuộc hằng ngày của người dân, giờ đây khi được nâng tầm lên thành món ngon phục vụ du khách đã tạo nên giá trị ẩm thực đặc trưng tại điểm đến.
Thưởng thức món ngon tại điểm đến là yếu tố không thể thiếu trong hành trình tham quan của du khách, đặc biệt lại được trải nghiệm giữa một không gian như những ngôi làng truyền thống thu nhỏ. Hầu hết những địa chỉ ẩm thực chuyên về món ăn bản địa hiện nay đều được đầu tư, thiết kế không gian quán gần giống như các làng truyền thống với nhà sàn, nhà dài cách điệu. Bên cạnh đó xung quanh được trang trí các tượng gỗ dân gian, cây nêu, cồng, chiêng, bếp lửa… vì vậy thực khách dễ dàng tiếp cận và hiểu hơn những giá trị văn hóa trong đời sống tinh thần của người dân địa phương.
Không chỉ đơn thuần là kinh doanh, phục vụ nhu cầu ăn uống cho thực khách, những địa chỉ ẩm thực này còn tạo công ăn việc làm cho người dân trong làng. Họ cũng chính là các nghệ nhân, nghệ sỹ không chuyên, đưa lời ca, tiếng hát, điệu múa, mang âm thanh réo rắc của đàn, của sáo, của từng thanh âm nhạc cụ dân tộc truyền thống biểu diễn phục vụ nhu cầu thưởng thức, trải nghiệm, tìm hiểu những giá trị văn hóa, đời sống tinh thần của cư dân thiểu số tại chỗ cho du khách thập phương.

Ẩm thực hấp dẫn là thành tố thu hút du khách quay trở lại với du lịch Pleiku
Ông Nguyễn Tấn Thành – Chủ tịch Hiệp hội du lịch thông tin: Tại phố núi Pleiku hiện nay ẩm thực mang “hương vị núi rừng” của dân tộc Jrai, Bahnar đang dần phổ biến xuất hiện tại các nhà hàng, quán ăn ở khu vực các điểm du lịch, các làng văn hóa du lịch cộng đồng, nơi tổ chức sự kiện lễ hội, gắn với không gian các hoạt động sinh hoạt văn nghệ cồng chiêng, xoang, biểu diễn nghệ thuật… được nhiều người ưa thích, đặc biệt là khách du lịch. Với định hướng của Pleiku cùng với mục tiêu xây dựng một thành phố văn minh, hiện đại, “Cao nguyên xanh vì sức khỏe” đồng thời phát triển các sản phẩm du lịch mang đậm bản sắc văn hóa đặc trưng, trong đó ưu tiên quy hoạch đầu tư xây dựng mô hình làng văn hóa du lịch cộng đồng của các dân tộc thiểu số trên địa bàn thành phố để phục vụ du khách trải nghiệm, hòa nhập, tìm hiểu văn hóa bản địa một cách đầy đủ, phong phú và thú vị hơn. Lẽ đương nhiên, ẩm thực bản địa lại có điều kiện lên ngôi và không ngừng phát triển trong thời gian sắp đến.
Món ngon phố núi:
Ẩm thực tuy là dịch vụ bổ sung nhưng lại vô cùng quan trọng vì nó đáp ứng nhu cầu thiết yếu của du khách. Dịch vụ ăn uống không chỉ góp phần đem lại lợi nhuận cho các nhà kinh doanh dịch vụ lữ hành, tạo thị trường và gia tăng giá trị cho các sản phẩm nông nghiệp mà còn quảng bá cho điểm đến. Việc kết hợp ẩm thực và du lịch là nhân tố quan trọng góp phần tạo cơ hội cho việc phát triển và quảng bá du lịch.
Ẩm thực Pleiku nói riêng và Gia Lai nói chung đã khẳng định được tên tuổi trên bản đồ ẩm thực cả nước với món Phở khô nằm trong Top 12 món ăn nổi tiếng Việt Nam được Tổ chức Kỷ lục Châu Á công nhận đạt giá trị ẩm thực Châu Á vào năm 2012 và có tên trong bộ tem "Ẩm thực Việt Nam" đã góp phần đưa món phở phô Gia Lai đến gần hơn với thực khách. Phở khô Gia Lai còn có tên gọi khác là Phở 2 tô. Sở dĩ có tên là phở 2 tô là bởi khi thưởng thức món ăn này thực khách sẽ được phục vụ 2 tô, một tô phở và một tô nước súp. Bánh phở được làm từ bột gạo xay mịn, có sợi nhỏ, khi nhúng nước nóng sợi phở mềm dai, không vón cục, được thêm thịt heo bằm nhỏ, tóp mỡ, hành khô phi giòn. Khi ăn, thực khách tự gia giảm gia vị như xì dầu, tương nâu, tương ớt… cho phù hợp hợp với khẩu vị từng người. Tô nước dùng được ninh từ xương heo, gà lấy vị ngọt, khi phục vụ thực khách sẽ thêm thịt bò tái hay bò viên, thêm vào ít hành xắt sợi nhỏ, tiêu, ớt lát mỏng tăng thêm phần hấp dẫn. Vị đậm đà của tô phở khô, thanh ngọt của nước dùng ăn kèm giá trụng, húng quế cùng các loại gia vị đặc trưng khiến phở khô trở thành món ăn không thể thiếu dành cho du khách khi đến với vùng đất này.
Gỏi lá là một trong những món ăn đặc biệt lạ nhưng không ngán, thanh đạm và đẹp mắt về cả chất lượng và hình thức mà du khách nên thử khi có dịp đến với du lịch Pleiku. Ông Trần Minh Hội (chủ quán Nhà Tôi) thông tin: “Bản thân hương vị của các loại lá đã tạo nên giá trị cho món ăn này. Phải có trên 100 loại lá với vị đặc trưng khác nhau mà người dùng có thể ăn được khi thưởng thức món ăn này. Được ăn kèm với gỏi lá là các loại nhân được gói bên trong, bao gồm thịt ba rọi, da heo thái mỏng, tôm (hoặc tép) và cá, sau đó cho thính và riềng vào trộn đều cho thấm. Về gia vị thì được gia giảm thêm tiêu, muối hạt, ớt cho thêm phần đậm đà. Nước chấm gỏi lá được chế biến khá kỳ công để tạo nên thứ nước chấm đậm đà có có màu vàng sánh. Là sự hài hòa giữa sắc và vị, chua cay mặn ngọt quyện hòa, không chỉ ăn ngon, mà còn đẹp mắt trong cách bài trí, vì vậy, gỏi lá là món ăn thú vị nên được thử để cảm nhận sự hấp dẫn của ẩm thực phố núi cao nguyên”.
Bên cạnh những món ngon đã được lòng thực khách, các hàng quán phục vụ món ăn đường phố gắn liền với truyền thống của gia đình cùng giá thành khá bình dân nhưng lại ẩn chứa một tiêu chuẩn ẩm thực cao cũng là một trong những thành tố hấp dẫn thực khách gần xa khi đến với Pleiku. Một trong những địa chỉ món ngon đường phố gắn với thương hiệu Pleiku mà thực khách nhất định phải thưởng thức khi có dịp đến thăm như: Bún cua chợ Nhỏ, bánh mì bà Lệ, gỏi đu đủ gan bò Thống Nhất, yaourt Thủy, chè bà Dũng, cà phê Thu Hà…
Chia sẻ về vấn đề phát triển du lịch thành phố gắn với các giá trị văn hóa, di sản, ẩm thực sẵn có, ông Nguyễn Tấn Thành nhận định: “Du lịch chính là sự trải nghiệm, du khách muốn tìm hiểu văn hóa, thiên nhiên, con người khi đến một vùng đất lạ không có gì trực quan và sinh động, hấp dẫn hơn là thông qua ẩm thực. Thưởng thức món ngon còn là thưởng thức nghệ thuật, từ không gian, người phục vụ, văn hóa, thẩm mỹ… Trong thời buổi thương mại hóa toàn cầu, bạn có thể mua được mọi thứ chỉ bằng một cú nhấp chuột, kể cả thức ăn. Nhưng có một thứ không thể mua được đó chính là cảm xúc. Mà trải nghiệm cảm xúc là thứ lưu lại rất lâu trong ký ức, trong đó có văn hóa ẩm thực; chính vì vậy mà ẩm thực truyền thống bản địa mang lại ấn tượng khó quên đối với mọi thực khách qua một lần trải nghiệm. Ngày nay ẩm thực đặc trưng bản địa trở thành một trong những yếu tố thu hút khách du lịch. Khi đưa ẩm thực bản địa vào phục vụ khách du lịch, một số món ăn không thể giữ nguyên như vốn có mà cần có sự sáng tạo của đầu bếp để phù hợp khẩu vị với số đông. Tuy nhiên, các món ăn vẫn phải đảm bảo tính văn hóa, hương vị thuộc về bản sắc địa phương”.
Võ Thanh Thảo – Nhà hát CMNTH Đam San

Tra cứu thông tin

Quy hoạch - Kế hoạch

Dự án đầu tư – Mua sắm công