Gia Lai thêm 9 cá nhân được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Ưu tú”

Ngày đăng: 29/09/2022, 16:39

Gia Lai thêm 9 cá nhân được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Ưu tú”

           Ngày 09/9/2022 vừa qua, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định số 1021/QĐ-CTN về việc phong tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Nghệ nhân Ưu tú” cho 547 cá nhân đã có cống hiến xuất sắc trong gìn giữ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc, theo đó, Gia Lai có 9 cá nhân được phong tặng danh hiệu trong dịp này.

Các cá nhân được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú đợt này đều là người Bahnar: 05 nghệ nhân tại xã Kông Lơng Khơng (huyện Kbang): Đinh Thị Hiền, Đinh Thị Lăm, Đinh Bi (làng Kgiang), Đinh Dũng, Đinh Văn Hmưnh (làng Mơhra - Đáp); 03 nghệ nhân thị trấn Kông Chro (huyện Kông Chro): Đinh Thị Drinh (Hrin) (tổ dân phố Plei Nghe), Đinh Uế, Đinh Bri (cùng ở tổ dân phố Plei Pyang) và 01 nghệ nhân Đinh Dốch (ở làng U Diếp) xã Kông Htok (huyện Chư Sê).

 

Cuộc họp lấy ý kiến cộng đồng dân cư về hồ sơ xét tặng danh hiệu NNƯT

tại xã Kông Htok, huyện Chư Sê. Ảnh: Nguyễn Thị Hoa.

 

Xét theo loại hình di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT), trong đợt xét tặng lần thứ Ba này tỉnh nhà có 08 nghệ nhân nắm giữ loại hình Tri thức dân gian, trong đó: đan lát (01 người), chỉnh chiêng (02 người), tạc tượng gỗ (02 người), dệt thổ cẩm (03 người); 01 nghệ nhân nắm giữ loại hình Nghệ thuật trình diễn dân gian: truyền dạy cồng chiêng.

 
Cuộc họp lấy ý kiến cộng đồng dân cư về hồ sơ xét tặng danh hiệu NNƯT

tại thị trấn Kông Chro, huyện Kông Chro. Ảnh: Nguyễn Thị Hoa.

Sau 3 lần được phong tặng tại năm 2015, 2019 và 2022 Gia Lai có tổng cộng 32 Nghệ nhân Ưu tú. Trong đó, các huyện: Chư Sê, Đức Cơ, Phú Thiện, Ia Grai, Ia Pa và thành phố Pleiku mỗi địa phương 01 Nghệ nhân; Krông Pa: 02 Nghệ nhân; Chư Păh, Đak Pơ mỗi địa phương 03 Nghệ nhân; Đak Đoa 04 Nghệ nhân; Kbang 06 Nghệ nhân và Kông Chro 08 Nghệ nhân.

Toàn tỉnh hiện có 20 Nghệ nhân nắm giữ loại hình Nghệ thuật trình diễn dân gian và Tri thức dân gian, trong đó: chỉnh chiêng và trình diễn cồng chiêng, chế tác và trình diễn Ching Kram - chiêng tre, chế tác và sử dụng nhạc cụ dân tộc (12 người); tạc tượng gỗ (04 người); đan lát (01 người); dệt thổ cẩm (03 người); 10 nghệ nhân nắm giữ loại hình Ngữ văn dân gian gồm: hát dân ca, hát kể sử thi Bahnar, Jrai; 02 nghệ nhân nắm giữ loại hình Tập quán xã hội và tín ngưỡng gồm: thực hành lễ hội truyền thống và nghi lễ dân gian.

Về độ tuổi, từ 71 - 80 trở lên có 08 Nghệ nhân; từ 60 - 70 tuổi có 14 Nghệ nhân, từ 50 - 60 tuổi có 08 Nghệ nhân, dưới 50 tuổi có 02 Nghệ nhân. Trong số đó, Nghệ nhân lớn tuổi nhất sinh năm 1926 (02 người), Nghệ nhân nhỏ tuổi nhất sinh năm 1977 (01 người). Các thế hệ Nghệ nhân đã có nhiều đóng góp tích cực trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị DSVHPVT trên địa bàn tỉnh. Đến thời điểm hiện tại, Gia Lai còn 26 Nghệ nhân Ưu tú, 06 người đã mất vì tuổi cao, đau ốm.

Nhằm góp phần động viên tinh thần đối với các Nghệ nhân và gia đình, thể hiện sự quan tâm của cơ quan nhà nước đối với người có công đóng góp quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá trên địa bàn tỉnh, ngày 21/01/2021 Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Công văn số 137/SVHTTDL-QLVH về việc thực hiện chăm sóc, thăm viếng khi các Nghệ nhân ốm đau, qua đời, những người có hoàn cảnh khó khăn. Theo đó, đề nghị UBND các huyện, thành phố phối hợp, chỉ đạo các đơn vị chức năng thực hiện việc chăm sóc, thăm viếng khi các Nghệ nhân ốm đau, qua đời. Về chính sách tham khảo Nghị định số 109/2015/NĐ-CP ngày 28/10/2015 của Chính phủ về việc hỗ trợ đối với “Nghệ nhân Nhân dân”, “Nghệ nhân Ưu tú” có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn./.

Nguyễn Thị Hoa, Phòng QLVH

 

 

 

Tra cứu thông tin

Quy hoạch - Kế hoạch

Dự án đầu tư – Mua sắm công