Bác Hồ với Tết Trung thu

Ngày đăng: 10/09/2022, 11:58

Bác Hồ với Tết Trung thu

                  

 

 Tết Trung thu sẽ đến với các em nhỏ khắp mọi miền của đất nước. Những ngày này, nhiều con phố của Pleiku đã tràn ngập không khí ngày hội đêm rằm với chiếc mặt nạ thân quen, những chiếc lồng đèn muôn màu… Tết Trung thu theo âm lịch là ngày rằm tháng 8 hằng năm. Đây là ngày Tết của trẻ em, còn được gọi là "Tết trông trăng". Trẻ em rất mong đợi được đón tết này vì thường được người lớn tặng đồ chơi, đèn ông sao, mặt nạ, đèn kéo quân... rồi bánh nướng, bánh dẻo. Vào ngày Tết này, tổ chức bày cỗ, trông trăng, thời điểm trăng lên cao, trẻ em múa, hát vừa ngắm trăng phá cỗ.

 

Bác Hồ vui Trung thu với các cháu thiếu nhi.( ảnh tư liệu)

 

Sinh thời Bác Hồ rất quan tâm đến thiếu niên, nhi đồng Việt Nam. Chính vì vậy mà Người luôn dành những tình cảm đặc biệt đối với thiếu niên, nhi đồng. Sau 30 năm xa Tổ quốc, khi trở về nước (28/01/1941) lãnh đạo Cách mạng, trong bài thơ kêu gọi thiếu nhi, ngày 21/9/1941 Bác Viết: Trẻ em như búp trên cành/Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan. Bác luôn đặt niềm tin, kỳ vọng vào các cháu thiếu niên, nhi đồng, mong sau này sẽ là những hiền tài của đất nước.

Các em thiếu nhi múa hát, vui chơi bên tượng Bác tại Bảo tàng tỉnh Gia Lai

 

Trong những ngày tháng 9 lịch sử, ngày 17/9/1945, nhân dịp tết Trung thu đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, Bác Hồ có liền hai bức thư “Tết Trung thu với nền độc lập” gửi đến cùng các trẻ em yêu quí, với tình cảm tràn đầy yêu thương, Bác viết: Hôm nay là tết Trung thu. Mẹ đã sắm cho các em nào đèn, nào trống, nào pháo, nào hoa… Cái cảnh trăng tròn gió mát, gió lặng trời xanh của Trung thu lại làm cho các em thêm vui cười hớn hở. Các em vui cười hớn hở, già Hồ cũng vui cười hớn hở với các em. Đố các em biết vì sao? Đằng sau câu hỏi đó là cả một tấm lòng tràn đầy tình thương mến, hy vọng và tin tưởng; là sự căn dặn ân cần các em học tập, vui chơi, rèn luyện thành những người vừa có tài, vừa có đức, có sức khỏe để trở thành người có ích cho gia đình và cộng đồng xã hội.

Ngày 16/9/1948, trong thư gửi các cháu nhi đồng nhân tết Trung thu năm 1948, Bác viết: Vì công việc kháng chiến, mà tết Trung thu này Bác cháu ta đang xa cách nhau. Vì phải tiết kiệm để kháng chiến, mà Bác không có quà Trung thu cho các cháu.

Tết Trung thu năm 1949, trong thư gửi cho các cháu nhi đồng Bác viết: Vì chúng ta kháng chiến đã ba năm, thức gì cũng thiếu thốn hơn trước... Nhưng Bác chắc các cháu vui hơn. Một là vì các cháu đều biết rằng càng khó khăn là ta càng gần ngày thắng lợi. Hai là vì năm nay các cháu tiến bộ hơn năm ngoái, về mặt thi đua học hành cũng vậy, về mặt tham gia kháng chiến cũng vậy.

Đặc biệt, có những bức thư Trung thu được Bác mở đầu hay kết thúc bằng những vần thơ đầy xúc động với niềm yêu thương, ân cần, chu đáo của một người ông hiền từ nhớ thương từng đứa cháu nhỏ. Đó là “Thư Trung thu gửi các cháu nhi đồng” (1951). Mở đầu bức thư Bác viết: Trung thu trăng sáng như gương/ Bác Hồ ngắm cảnh nhớ thương nhi đồng/ Sau đây Bác viết mấy dòng/ Gửi cho các cháu tỏ lòng nhớ nhung. Những vần thơ của Bác đã đong trong đáy lòng của bao thế hệ thiếu nhi từ ngày đó tới nay. Tình cảm yêu thương của Bác Hồ đối với thiếu niên, nhi đồng mãi mãi là tấm gương mẫu mực, tỏa sáng tuyệt đẹp khắp thế gian như ánh trăng rằm Trung thu.

Nhân dịp Trung thu năm 1952 (25/9/1952) Bác làm thơ tặng các cháu nhi đồng: Ai yêu nhi đồng/Bằng Bác Hồ Chi Minh/Tính các cháu ngoan ngoãn /Mặt các cháu xinh xinh /Mong các cháu cố gắng /Thi đua học và hành /Tuổi nhỏ làm việc nhỏ /Tùy theo sức của mình /Để tham gia kháng chiến /Để gìn giữ hòa bình /Các cháu hãy xứng đáng /Cháu Bác Hồ Chí Minh.

Tết Trung thu năm 1954 (12/9/1954) trong thư gửi nhi đồng Bác viết: Trung thu này là Trung thu hòa bình đầu tiên, sau 8, 9 năm kháng chiến anh dũng của Nhân dân ta. Trong cuộc kháng chiến cứu nước, các cháu cũng có đóng góp một phần. Nhân dịp này, Bác gửi lời thân ái khen ngợi các cháu.

Tết Trung thu năm 1956, Bác Hồ đã làm thơ tặng các cháu nhi đồng. Nhân dịp tết Trung thu. Thân ái chúc các cháu: Vui vẻ khỏe mạnh/ Đoàn kết chặt chẽ/Thi đua học hành /Tiến bộ mau lẹ.

Ngày 08/9/1957, Bác viết thư gửi các cháu nhi đồng: Bác chúc các cháu đoàn kết, ngoan ngoãn, vui vẻ, mạnh khỏe; ăn tết rồi thì các cháu càng phải chăm học, siêng làm.

Trong bài nói chuyện Trung thu với các em nhi đồng ngày 05/10/1960 Bác nói: Nhờ Cách mạng tháng Tám thành công và kháng chiến cứu nước thắng lợi, các em đã sinh trưởng trong chế độ xã hội chủ nghĩa. Nhờ Đảng săn sóc và Đoàn giúp đỡ, các em sẽ cố gắng về mọi mặt để xứng đáng là người chủ tương lai của nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.

Trước lúc đi xa, tối ngày 31/5/1969, tại nhà khách Phủ Chủ tịch, Bác Hồ đã gặp gỡ các cháu thiếu nhi nhân ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6 và xem các cháu học sinh lớp 1 (Nhạc viện Hà Nội) biểu diễn nghệ thuật. Người ân cần thăm hỏi các cháu, chia kẹo cho các cháu và cùng bắt nhịp cho các cháu hát bài ca “Kết đoàn”, đây là dịp cuối cùng Bác Hồ gặp gỡ các cháu thiếu niên và nhi đồng.

Ngày nay, vào dịp Tết Trung thu các cơ quan, đoàn thể, tổ chức vui chơi, múa lân cho các em thiếu niên, nhi đồng, thăm hỏi, tặng quà cho các em nghèo, khuyết tật, mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn tại các trung tâm nuôi dưỡng, bảo trợ xã hội để giúp trẻ em đón Tết Trung thu đầm ấm.

 

Bảo tàng tỉnh Gia Lai phối hợp các trường THCS tổ chức chương trình

Trung thu Em vui hội Trăng rằm cùng di sản quê hương” năm 2016

 

          Tết Trung thu giờ đây đã trở thành ngày hội với các em thiếu niên, nhi đồng. Tết Trung thu là một phong tục rất có ý nghĩa. Đó là ý nghĩa của chăm sóc, biết ơn, tình thân hữu, đoàn tụ, và thương yêu. Tết Trung Thu là tết của tình thân, vì vậy mỗi chúng ta cần ý thức gìn giữ những nét văn hoá cổ truyền từ bao đời nay của cha ông ta, cần hiểu rõ ý nghĩa đoàn viên của ngày tết này để tránh những xu thế hiện đại làm phai nhạt đi giá trị đó./.

Phạm Thị Khoa Thi – Bảo tàng tỉnh Gia Lai


Tra cứu thông tin

Quy hoạch - Kế hoạch

Dự án đầu tư – Mua sắm công