GIÁ TRỊ SƯU TẬP HIỆN VẬT ĐIÊU KHẮC GỖ CỦA NGƯỜI BAHNAR, JRAI Ở BẢO TÀNG TỈNH GIA LAI

Ngày đăng: 07/09/2022, 16:30

GIÁ TRỊ SƯU TẬP HIỆN VẬT ĐIÊU KHẮC GỖ CỦA NGƯỜI BAHNAR, JRAI Ở BẢO TÀNG TỈNH GIA LAI

Hồ Xuân Toản

Điêu khắc gỗ - một trong những loại hình nghệ thuật độc đáo của cộng đồng các dân tộc vùng Trường Sơn - Tây Nguyên nói chung, người Bahnar, Jrai nói riêng, nó biểu đạt ý niệm về nhân sinh quan một cách phong phú, đa dạng dưới nhiều cấp độ khác nhau ở xã hội truyền thống cũng như trong giai đoạn hiện nay. Sự đan xen hài hòa giữa hiện thực và hư ảo, sự mộc mạc và tinh tế, sự kết hợp giữa quá khứ và hiện tại, giữa không gian và thời gian… tất cả được phản ánh qua những “rừng tượng” điêu khắc được đặt trong không gian buôn làng, mộ địa. Người Bahnar, Jrai có nền điêu khắc rất độc đáo được thể hiện rõ nét qua việc chạm khắc trên gỗ, làm các chi tiết kiến trúc bằng gỗ và đặc biệt là hệ thống tượng gỗ đặt trong các không gian thiêng, không gian sinh hoạt của cộng đồng.
Với sưu tập hiện vật điêu khắc gỗ của người Bahnar, Jrai đang lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Gia Lai, khi không gian sinh tồn thay đổi dẫn đến sự thay đổi về chức năng, vai trò của tượng gỗ. Lúc này giá trị của các hiện vật không những không giảm đi, mà ngược lại càng tăng thêm, bởi hiện vật điêu khắc gỗ không chỉ đơn thuần là một sản phẩm văn hóa do cộng đồng tạo ra nhằm phục vụ cho nhu cầu cuộc sống, mà còn là đối tượng nghiên cứu của bảo tàng, là hiện vật gốc để bảo tàng thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của mình nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của hiện vật điêu khắc gỗ trong một môi trường mới.
Bảo tàng tỉnh Gia Lai hiện đang lưu giữ khoảng 200 hiện vật điêu khắc gỗ với sự phong phú và đa dạng về hình dáng, thể loại phản ảnh các giá trị nhân sinh quan của người Bahnar, Jrai trong cuộc sống và được biểu đạt dưới các giá trị cơ bản:
Về mặt lịch sử, nghệ thuật điêu khắc của người Bahnar, Jrai nói chung, hiện vật điêu khắc gỗ của người Bahnar, Jrai ở Bảo tàng tỉnh Gia Lai nói riêng mang nhiều ngôn ngữ, phong cách nghệ thuật khác nhau và có lịch sử phát triển lâu dài. Sự phát triển đó gắn với quá trình tiếp biến lịch sử, văn hóa của cộng đồng tộc người từ xưa đến nay. Con người từ khi sinh ra, lớn lên cho đến khi già và mất đi trong một chu kỳ vòng đời được biểu hiện khá rõ nét qua những hiện vật “tượng gỗ” với đầy đủ hình dạng, sắc thái biểu cảm sinh động. Ở mỗi giai đoạn/thời kỳ khác nhau, kỹ thuật tạo tác, phong cách biểu hiện cũng như chất liệu đều có những biến đổi theo năm tháng. Nghệ thuật điêu khắc gỗ của người Bahnar, Jrai có từ bao giờ là một câu hỏi chưa có hồi kết, nhưng có thể nói rằng, điêu khắc gỗ gắn liền với lịch sử, đời sống, văn hóa, tín ngưỡng của cư dân Tây Nguyên nói chung, người Bahnar, Jrai ở Gia Lai nói riêng. Sự hiện hiện của những tác phẩm điêu khắc gỗ như là một phần trong lịch sử, văn hóangười Bahnar, Jrai trong quá khứ cũng như ở xã hội hiện đại.
Giá trị văn hóa, cộng đồng các dân tộc Bahnar và Jrai theo tín ngưỡng đa thần “vạn vật hữu linh”, với họ trong vũ trụ luôn có sự tồn tại song song và có mối quan hệ tương phản, đối lập nhau của hai thế giới, đó là sự tồn tại của thế giới dương và thế giới âm, giữa ngày và đêm, giữa sự sống và cái chết, giữa ánh sáng và bóng tối. Ở mỗi góc độ, họ có những cách lý giải khác nhau. Họ tin rằng “linh hồn của người chết không đi hẳn, không sống hẳn ở thế giới bên kia mà sau một thời gian linh hồn đó sẽ tái sinh trở lại”[1]. Do đó họ có nghi lễ đưa tiễn linh hồn của người chết về với thế giới bên kia nhằm đầu thai sang một kiếp khác, đó là lễ bỏ mả - một lễ hội mang đậm triết lý nhân văn sâu sắc, lễ bỏ mả ghi dấu sự đoạn giao giữa người sống với người chết, thể hiện tình cảm thiêng liêng, giản dị của những người đang sống đối với những linh hồn đã khuất về với thế giới bên kia, hàm chứa khát vọng nhân sinh muôn thuở của con người. Do đó, việc làm nhà mả, đẽo tượng gỗ phục vụ cho lễ bỏ mả không những chỉ thể hiện điều kiện kinh tế, mà còn phản ánh đời sống tâm linh của cộng đồng các dân tộc Bahnar, Jrai.
Không chỉ biểu hiện giá trị trong đời sống tâm linh, điêu khắc gỗ còn là tác phẩm nghệ thuật có chức năng tô điểm làm đẹp, làm vui không gian sống. Vì vậy, hiện vật điêu khắc gỗ còn được trang trí ở nhà rông, nhà sàn, nhà dài, và ngày nay còn trưng bày ở bảo tàng, đặt trong nhiều không gian, khuôn viên giải trí như quán ăn, công viên, quán cà phê, khu du lịch sinh thái… Dù được đặt ở không gian nào thì hiện vật điêu khắc gỗ Bahnar, Jrai đều phản ánh đời sống văn hóa, xã hội của cộng đồng. Xét trên một khía cạnh nhất định nào đó, hiện vật điêu khắc gỗ còn là phương tiện để con người gửi gắm những cung bậc tình cảm buồn nhớ, tiếc thương, suy ngẫm về người đã chết, cái chết và thế giới siêu nhiên. Những sắc thái biểu cảm của mỗi bức tượng không chỉ phản ánh giá trị nghệ thuật mà còn phản ánh đời sống nội tâm phong phú, những xúc cảm tinh tế nhưng rất sâu lắng của người làm ra bức tượng cũng như của cả cộng đồng Bahnar, Jrai trên vùng đất Gia Lai.
Hiện vật điêu khắc gỗ của người Bahnar, Jrai ở Bảo tàng tỉnh Gia Lai có ngôn ngữ biểu đạt khá cụ thể, tạo hình thể khối, gợi tả, giản lược…khiến cho người xem khi đứng trước những tác phẩm này cũng phải trầm trồ thán phục, bởi các biểu cảm, tâm tư tình cảm, kể cả nội tâm được bộc lộ một cách rõ nét trên từng khuôn mặt, hình dáng của hình mẫu tượng, gợi lên sống động trong thị giác và suy nghĩ của người xem. Ở trong mỗi không gian nhất định, sự kết hợp với những hình khối được nghệ nhân tạo tác và bài trí với những không gian khác nhau sẽ biểu thị được các ngôn ngữ diễn đạt riêng.
Tính khoa học, gắn liền trong suốt chu kỳ vòng đời của hiện vật điêu khắc gỗ từ khảo sát, thẩm định giá trị, sưu tầm, lập hồ sơ hiện vật, nhập kho bảo quản đến công tác trưng bày, tuyên truyền và kiểm tra đánh giá thường xuyên tình trạng hiện vật. Từ đây, hiện vật sẽ bảo đảm tính pháp lý, khẳng định giá trị, được bảo quản trong điều kiện tốt nhất để lan tỏa thông điệp của hiện vật qua các khâu công tác trưng bày, truyền thông.
Đối với hệ thống hiện vật điêu khắc gỗ của người Bahnar, Jrai ở Bảo tàng tỉnh Gia Lai dù môi trường tồn tại bị thay đổi, thay vì tồn tại trong chính không gian sinh tồn của chính nó thì nay lại được trưng bày, bảo quản tại bảo tàng, nhưng giá trị về mặt khoa học của nó gần như không thay đổi khi đánh giá một cách toàn diện về nhu cầu để tạo ra hiện vật, quy trình chế tác, quá trình sử dụng…. tất cả đều được đặt trong những mối quan hệ cơ hữu, tác động qua lại với nhau nhằm biểu hiện cho một sự kiện, hiện tượng trong hiện thực cuộc sống của cộng đồng.
Hiện vật điêu khắc gỗ của người Bahnar, Jrai ở Bảo tàng tỉnh Gia Lai vừa là văn hóa vật thể vừa là văn hóa phi vật thể, vừa có giá trị nghệ thuật, điêu khắc kiến trúc lại vừa mang ý nghĩa dân tộc học, tín ngưỡng và văn hóa dân gian. Đó là một trong những đối tượng nghiên cứu trong nghiên cứu khoa học tại bảo tàng, tạo tiền đề cho việc thực hiện các khâu công tác khác liên quan để khai thác, phát huy các giá trị hàm chứa bên trong hiện vật nhằm góp phần bảo tồn và phát huy giá trị của loại hình điêu khắc gỗ của người Bahnar, Jrai ở Bảo tàng tỉnh Gia Lai trong xã hội hiện nay một cách có hiệu quả nhất.



Tượng giã gạo, đang trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Gia Lai (Ảnh: Xuân Toản)

Khu vực trưng bày hiện vật điêu khắc gỗ của người Bahnar, Jrai ở Bảo tàng tỉnh Gia Lai (Ảnh: Xuân Toản)

Về kinh tế - du lịch, ngoài việc phản ánh các giá trị nói trên, hiện vật điêu khắc gỗ của người Bahnar, Jrai ở Bảo tàng tỉnh Gia Lai còn mang giá trị kinh tế - du lịch tùy thuộc vào vai trò, đặc điểm của mỗi loại hiện vật. Thực tế cho thấy việc gắn kết du lịch với bảo tàng là việc làm cần thiết để thu hút khách du lịch góp phần quảng bá hình ảnh, văn hóa dân tộc và phát huy giá trị của bảo tàng.
Bảo tàng là dạng tài nguyên du lịch nhân văn, nội dung trưng bày tại bảo tàng được xem là sản phẩm phục vụ hoạt động du lịch, là điểm đến tham quan, là nơi để công chúng có cái nhìn đa chiều về văn hóa, nghệ thuật, lịch sử… góp phần quảng bá hình ảnh, văn hoá dân tộc và phát huy các giá trị của bảo tàng đồng thời thúc đẩy sự phát triển kinh tế địa phương. Do đó, việc lưu giữ, trưng bày các hiện vật nói chung, hiện vật điêu khắc gỗ của người Bahnar, Jrai tại Bảo tàng tỉnh Gia Lai không chỉ là hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống của người Bahnar, Jrai mà còn là sản phẩm đặc thù thu hút khách tham quan.
Trong xã hội hiện đại, sự biến đổi là tất yếu. Khi đó, vai trò văn hóa truyền thống lại càng được thể hiện rõ hơn, là cầu nối giữa quá khứ hiện tại và tương lai, giữa truyền thống và hiện đại, gắn kết cộng đồng dân tộc, là xuất phát điểm của quá trình phát triển. Cùng với các công trình kiến trúc, nghệ thuật điêu khắc khác, điêu khắc gỗ đã góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa, nghệ thuật của người Bahnar, Jrai ở Gia Lai. Theo năm tháng, do biến động xã hội, sự can thiệp của thiên nhiên, hiện vật điêu khắc gỗ sẽ có những biến đổi, mai một, nhưng nét trầm mặc, giản lược ẩn chứa hồn thiêng và toát lên cốt cách con người trên từng bức tượng tạo nên những đặc trưng riêng để thế hệ sau suy tưởng.
Mặc dù chiếm số lượng khá khiêm tốn trong tổng số hiện vật đang lưu giữ tại bảo tàng, nhưng có thể nói rằng, hiện vật điêu khắc gỗ của người Bahnar, Jrai tạo nên một đặc trưng riêng biệt, chiếm một phần quan trọng trong trưng bày của bảo tàng và đã gây ấn tượng đối với công chúng. Tuy nhiên, để hiện vật điêu khắc gỗ được bảo tồn và phát huy giá trị tốt nhất, bảo tàng cần có những định hướng, phương pháp phù hợp nhằm đảm bảo thu hút khách tham quan nhưng vẫn duy trì được các yếu tố truyền thống, không làm biến dạng hoặc mất đi các giá trị văn hóa mang tính đặc trưng của cộng đồng./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Desvallées A. & Mairesse F. (2021), Các khái niệm cơ bản về Bảo tàng học, Nguyễn Thu Hương dịch, Phạm Lan Hương hiệu đính, Nxb Văn học, Hà Nội.
2. Ngô Văn Doanh (1995), Lễ hội bỏ mả Bắc Tây Nguyên, Nxb Văn hóa Dân tộc, Hà Nội.
3. Ngô Văn Doanh (1993), Nhà mồ và tượng mồ Giarai, Bơhnar, Sở Văn hóa, Thông tin và Thể thao tỉnh Gia Lai.
4. Lưu Hùng (1996), Văn hóa cổ truyền Tây Nguyên, Nxb Văn hóa Dân tộc, Hà Nội.
5. Hoàng Thị Thanh Hương (2018), Tượng gỗ dân gian các tộc người Ba Na, Gia Rai, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội.
6. Đào Huy Quyền (1986), Tượng gỗ Tây Nguyên, Nxb Tổng hợp, TP. Hồ Chí Minh.
7. Nguyễn Đình Thanh (2008), Di sản văn hóa bảo tồn và phát triển, Hồ Chí Minh, Nxb Tổng hợp, TP. Hồ Chí Minh.
8. Ngô Đức Thịnh (2007), Những mãng màu văn hóa Tây Nguyên, Nxb Trẻ, TP.Hồ Chí Minh.
[1] Ngô Văn Doanh (1993), Nhà mồ và tượng mồ Giarai, Bơhnar, Sở Văn hóa, Thông tin và Thể thao tỉnh Gia Lai, tr.29.

Tra cứu thông tin

Quy hoạch - Kế hoạch

Dự án đầu tư – Mua sắm công