TÌM HIỂU THÊM VỀ BỘ CHIÊNG HONH CỦA NGƯỜI JRAI

Ngày đăng: 26/08/2022, 08:11

TÌM HIỂU THÊM VỀ BỘ CHIÊNG HONH CỦA NGƯỜI JRAI

Xuân Toản

Cồng chiêng là một loại nhạc khí tự thân vang, làm bằng hợp kim đồng, được cộng đồng các dân tộc vùng Trường Sơn - Tây Nguyên sử dụng trong các sinh hoạt văn hóa, nghi thức trong đời sống. Người Tây Nguyên không tự làm ra cồng chiêng, nhưng cồng chiêng và các yếu tố tạo nên không gian văn hóa cồng chiêng là một phần không thể thiếu trong đời sống của họ.

Với người Jrai ở xã hội truyền thống, cồng chiêng gần như có mặt trong các sinh hoạt văn hóa, các nghi lễ của gia đình, cộng đồng. Cồng chiêng đi vào đời sống của cộng đồng, gắn liền với cuộc đấu tranh sinh tồn, biểu hiện sự gắn kết bền chặt giữa con người với con người, với thiên nhiên và với các đấng siêu nhiên. Trong các lễ hội truyền thống, người Jrai thường có nghi thức đâm trâu và sử dụng những bộ chiêng để đánh trong các nghi lễ này. Có những bộ cồng chiêng có thể giống nhau về kích thước cũng như số lượng nhưng mỗi dân tộc, mỗi vùng miền có những tên gọi và cách sử dụng khác nhau. Chính điều đó đã tạo nên những đặc trưng riêng của mỗi dân tộc trong tổng hòa không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.

Nếu người Jrai ở vùng Đông Nam của tỉnh với bộ chiêng Kđơ để sử dụng trong các lễ hội vui thì người Jrai ở vùng Chư Păh lại sử dụng bộ chiêng Honh. Điều đặc biệt ở bộ chiêng Honh là chỉ đánh trong các lễ hội mang tính chất vui vẻ, chúc mừng của gia đình, cộng đồng và không đánh trong các lễ có tính chất buồn đau thương nhớ. Già làng Rơ Châm Yũ cho biết: “Chiêng Honh là bộ chiêng truyền thống của người Jrai gồm 13 chiếc, nó chỉ được đánh trong những lễ hội vui, có tục đâm trâu như mừng nhà rông, mừng lập làng mới, mừng nhà mới… không đánh trong lễ bỏ mả”. Do vậy giai điệu của tiếng chiêng lúc nào cũng bay bổng, nhộn nhịp như muốn hối thúc mọi người cùng đến tham gia ngày hội, chung vui với dân làng. Trước đây hầu như gia đình nào trong làng cũng sở hữu ít nhất một bộ chiêng này, hiện nay người dân trong vùng đa phần sử dụng các loại chiêng cải tiến, loại chiêng Honh này ít được sử dụng, vì thế nó cũng mất dần theo năm tháng. Ông Rơ Châm Líc sống tại làng Yah, thị trấn Ia Ly, Chư Păh cho hay: “Hiện tại trong làng chỉ duy nhất gia đình ông còn lưu giữ 02 bộ chiêng chiêng Honh, là tài sản của cha mẹ để lại, gia đình nào có việc vui, lễ mừng đều dùng bộ chiêng này để đánh”.

Bộ chiêng Honh làm bằng đồng thau[1], biên chế gồm 13 chiếc hợp thành và được chia làm hai nhóm. Nhóm giữ và trò đệm trong quá trình diễn tấu là các chiêng có núm (5 chiếc), nhóm còn lại là phần giai điệu gồm những chiếc chiêng bằng (8 chiếc). Trong mỗi nhóm, tùy vào kích thước và cường độ âm thanh phát ra, người Jrai đặt tên cho từng cái. Theo kích thước từ lớn đến bé trong nhóm chiêng có núm lần lượt được gọi tên: Na, Mông, Búp, Bêl Pop; với nhóm chiêng bằng cũng lần lượt là: Tôh, Trêt, Trot, Tut, Toal, Trot, Tret Tneng. Tuy nhiên, theo Đào Huy Quyền trong sách Văn hóa cồng chiêng các dân tộc Tây Nguyên do Nhà xuất bản Văn hóa thông tin xuất bản năm 2010 có đoạn viết về chiêng Honh lại có những tên gọi khác cho mỗi loại chiêng[2]. Có thể đây là do cách gọi của người ở các làng, các vùng khác nhau để nói về chiêng Honh. Biên chế cùng chiêng Honh kèm theo một chiếc trống (Gor) giữ nhịp và chũm chọe (Groih) để tăng phần âm thanh vui nhộn. Ứng với mỗi nhóm chiêng có từng loại dùi đánh khác nhau, nhưng tất cả được gọi là Cloh. Với nhóm chiêng có núm, người ta tạo ra một chiếc dùi có bọc nhiều lớp vải mềm ở đầu nhằm tạo độ đàn hồi khi đánh vào núm chiêng. Cường độ âm thanh phát ra từ mỗi chiếc chiêng một phần cũng phụ thuộc vào cấu tạo chiếc dùi và lực tác động lên nó. Các dùi được sử dụng trong nhóm chiêng có núm lần lượt được gọi kèm theo tên của chiêng như: Cloh Na (dùi dánh chiêng có núm lớn), và lần lượt là Cloh Mông, Cloh Búp…. Các dùi đánh chiêng bằng được gọi chung là Cloh. Người Jrai thường sử dụng một loại cây gỗ thân mềm, có võ dày (thường gọi là Ren) hay đơn giản hơn người ta chặt những đoạn của thân cây sắn (cây mì) để đánh. Khi dùng xong, loại dùi có bọc vải người ta giữ lại, loại dùi để đánh chiêng bằng người ta vứt bỏ, khi nào đánh lại làm cái mới. Khi được hỏi, tại sao không làm dùi cố định để sử dụng nhiều lần, ông Rơ Châm Thuyết lý giải: “Các loại dùi đánh chiêng bằng được làm từ một loại cây thân mềm có lớp võ dày, nếu giữ lại để càng lâu lớp võ càng khô và cứng lại, đánh dễ bị hỏng chiêng, trong khi đó loại cây ren và cây sắn để làm dùi thì lúc nào cũng có sẵn trong đời sống”.

Chiêng Honh thường do nam giới sử dụng và chủ yếu là những người lớn tuổi có kinh nghiệm, hoặc những đã lập gia đình nhưng giỏi đánh chiêng, người trẻ tuổi không sử dụng. Chiêng Honh được đánh xung quanh biểu tượng thiêng (cây nêu) và con vật hiến sinh. Mỗi người một chiếc hợp lại tạo nên giai điệu bài chiêng lúc trầm lúc bổng. Dẫn đầu đoàn cồng chiêng là một người vừa mang trống ngang bụng vừa đánh (nhiều nơi có 2 hoặc 4 người khiêng và 1 người đánh). Tiếp theo là người đánh chiêng có núm, lần lượt từ lớn đến nhỏ; sau đó đến người đánh chũm chọe và cuối cùng là đến những người đánh chiêng bằng cũng lần lượt từ lớn đến nhỏ. Vòng xoang (phần lớn là nữ) tiếp nối tạo thành vòng tròn quanh cây nêu, đôi khi tách riêng thành một vòng khác lớn hơn bao bên ngoài, cùng với những người đánh chiêng đi quanh cây nêu.

Sự biến động của xã hội qua các thời kỳ diễn ra càng mạnh mẽ, văn hóa truyền thống nói chung, trong đó có văn hóa cồng chiêng cũng như cồng chiêng của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên chịu những tác động tiêu cực dẫn đến nhiều giá trị truyền thống dần bị mai một. Số lượng cồng chiêng truyền thống như bộ chiêng Honh nêu trên ngày càng ít dần, thậm chí có những làng không còn để sử dụng. Do vậy, việc nghiên cứu, khai thác giá trị của văn hóa cồng chiêng và sử dụng cồng chiêng là việc cần phát huy, nhưng khai thác và sử dụng cồng chiêng như thế nào là vấn đề cần được sự chung tay của mỗi người, cộng đồng, của toàn xã hội, mà đặc biệt là sự tham gia tích cực của chủ thể văn hóa.

 
Bộ chiêng Honh tại làng Yah, thị trấn Ia Ly, Chư Păh (Ảnh: Xuân Toản)

 
Người dân làng Yah đánh chiêng, múa xoang quanh cây nêu trong lễ mừng nhà rông mới có nghi thức đâm trâu (Ảnh: Xuân Toản)


[1] Là loại hợp kim đồng được pha với kẽm, theo những tỉ lệ nhất định sẽ cho ra loại cồng chiêng khác nhau và âm thanh phát ra khác nhau trong mỗi bộ chiêng.

[2] Chiêng có núm lần lượt được gọi từ lớn đến nhỏ: Ania, Mông, Mung, Mông nhé, Mung nhé; Chiêng bằng cũng lần lượt được gọi từ lớn đến nhỏ: Tô tổ, T’rết, Tơl, Tut, Tual, Tut nhé, T’rát, Teng neng.

Tra cứu thông tin

Quy hoạch - Kế hoạch

Dự án đầu tư – Mua sắm công