BỨC PHÙ ĐIÊU TẠI QUẢNG TRƯỜNG ĐẠI ĐOÀN KẾT NÓI NÊN ĐIỀU GÌ

Ngày đăng: 06/12/2022, 08:24

Phù điêu được chạm khắc tinh tế, sinh động qua những hình ảnh nói về đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, lịch sử đấu tranh trong hai cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm của các dân tộc Tây Nguyên và những thành tựu về kinh tế trên các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp… của Nhân dân các dân tộc Tây Nguyên.

Công trình tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên và quần thể Quảng trường Đại đoàn kết có rất nhiều hạng mục khác nhau như:Tượng Bác Hồ bằng đồng; Tháp đá Đại Đoàn Kết, Thạch thư; 02 dàn cồng chiêng Tây Nguyên, cột cờ; 05 nhà bát giác bằng gỗ tự nhiên của Tây Nguyên, 01 đồi núi nhân tạo mô phỏng dáng núi hàm Rồng của Gia Lai; các loại cây xanh, thảm cỏ, các loại hoa; hệ thống điện chiếu sáng; hệ thống cấp thoát nước; đường đi…và không thể không kể đến bức phù điều một kiệt tác đã Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam Xác Lập Kỷ Lục: “Bức phù điêu đá lớn nhất Số 1270/KLVN/2012;Thời điểm xác lập 09/12/2012. Được Tổng giám đốc Vietkings đã ký Lê Trần Trường An; Viện trưởng Viện sở hữu trí tuệ Việt Nam đã ký LS: Nguyễn Văn Viễn.

Phía sau tượng Bác là bức phù điêu được làm theo ý tưởng của tỉnh, thông qua các hội nghị, hội thảo và ý kiến của Hội đồng nghệ thuật đã chọn mẫu của nhà điêu khắc Lê Lạng Lương - giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội.

ảnh: Linh Vĩnh Quốc

Tổng thể bức phù điêu là hình những cánh hoa sen cách điệu, đây là bức phù điêu lớn nhất Việt Nam làm từ chất liệu đá xanh Thanh Hoá, có diện tích bề mặt là 600m² dày trung bình 30cm, dài 58m, hai bên cao 10,5m, đỉnh chóp cao 12m, nặng 1.000 tấn, được ốp vào tường bê tông cốt thép; trên bức phù điêu được điêu khắc tỉ mỷ sống động với 150 hình người với các hoạt động và kích thước ý nghĩa, nội dung khác nhau; 50 cây hoa lá cành các loại và một số động vật thường xuất hiện trong các nghi lễ và lễ hội ở Tây Nguyên như voi, trâu, bò…và đặc biệt hơn cả là hình ảnh nhà Rông sừng sững, ngọn lửa cao nguyên luôn rọi sáng cho những lễ hội của làng trong không gian huyền bí… hình dáng của những người đàn ông đánh cồng chiêng, trống, những cô gái nhịp nhàng đôi bàn chân trần vòng xong nối tiếp vòng xoang…những ché rượu cần cũng được điêu khắc khéo léo làm người xem như đang cảm giác được hòa nhập vào với các lễ hội ở Tây Nguyên cjp ta gợi đến ca khúc Đêm xong Tây Nguyên của nhạc sĩ Văn Chừng có câu “ Anh vít cần, vít cần mà không dám uống, điệu xoang nhịp nhàng, dòng người sóng sánh….anh cứ sợ …cứ sợ mình lạc mất nhau thôi…” tất cả hình ảnh trên bức phù điêu cũng sơ lược giới thiệu được lịch sử kiên cường, văn hóa xã hội và cuộc sống đương đại ngày đang được phát triển của con người nơi đây.

Tác phẩm điêu khắc sống động trên phù điêu

Những tác phẩm điêu khắc sống động trên phù điêu được thực hiện tại làng nghề ở tỉnh Ninh Bình và vận chuyển vào Gia Lai để lắp ráp. Điều đặc biệt của bức phù điêu là được ghép từ nhiều phiến đá khác nhau nhưng khi trời mưa những thạch nhũ trong các phiến đá không bị chảy ra ngoài, phiến đá nặng nhất đến 4 tấn và nhẹ nhất là 1 tấn. Những hình ảnh trên phù điêu được các thợ điêu khắc của làng nghề Ninh Bình chạm khắc tinh tế, phản ánh sinh động về đời sống văn hoá, kinh tế, chính trị, lịch sử của các dân tộc Tây Nguyên.

Ở giữa là những hình ảnh nói về đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, bên trái là lịch sử đấu tranh trong hai cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm của các dân tộc Tây Nguyên, bên phải là những thành tựu về kinh tế trên các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp… của Nhân dân các dân tộc Tây Nguyên.

Hình ảnh chạm khắc trên đá chi tiết sống động đến bất ngờ

Khi phác thảo cũng như lên khuôn đúc bức phù điêu bằng đất theo tỉ lệ 1:1 tại sân bay Gia Lâm - Hà Nội, tỉnh đã đưa đoàn cán bộ lãnh đạo chủ chốt của tỉnh đã nghỉ hưu, một số già làng, nhân sĩ trí thức tiêu biểu đại diện cho các dân tộc trong tỉnh ra tận công trường để tham gia góp ý cho từng chi tiết. Trong quá trình hoàn thiện bức phù điêu và Tượng Bác bằng chất liệu compozit đã có nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, các chuyên gia mỹ thuật, điêu khắc hàng đầu Việt Nam đến tham quan và có ý kiến chỉ đạo, góp ý cho nhóm tác giả hoàn thiện công trình.

Nhìn lại quá trình thực hiện và kết quả đạt được có thể nói bức phù điêu là một trong những hạng mục văn hóa ấn tượng nằm trong quần thể văn hóa, lịch sử tại trung tâm thành phố Pleiku, nơi đặt tượng Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên, mỗi công trình là một tác phẩm nghệ thuật.

Bài và ảnh: Y Phương

Tra cứu thông tin

Quy hoạch - Kế hoạch

Dự án đầu tư – Mua sắm công