Chất “thép” trong tập thơ “Nhật kí trong tù” của Hồ Chí Minh

Ngày đăng: 14/12/2021, 07:50

Chất “thép” trong tập thơ “Nhật kí trong tù” của Hồ Chí Minh

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh không nhận mình là nhà văn, nhà thơ mà chỉ là người bạn của văn nghệ. Nhưng trong hoàn cảnh thôi thúc, nhiệm vụ cách mạng, môi trường xã hội, Bác luôn yêu thiên nhiên, cộng với tài năng nghệ thuật và tâm hồn nghệ sĩ, Người đã sáng tác nhiều tác phẩm có giá trị lớn. Thơ ca là một lĩnh vực nổi bật trong văn chương của Hồ Chí Minh, thể hiện rõ nét trong tập thơ Nhật kí trong tù. Đây là tập nhật kí viết bằng thơ ở trong tù, khi Bác bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam (từ mùa thu năm 1942 đến mùa thu năm 1943). Thời gian này, Người bị giải đi qua 30 nhà lao của 13 huyện thuộc tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc.

Với 133 bài thơ bằng chữ Hán, Người đặt tên là “Ngục trung nhật kí”, đã phản ánh tâm hồn và nhân cách cao đẹp của người chiến sĩ cách mạng trong hoàn cảnh chốn lao tù. Đầu tập thơ Người viết:

Thân thể tại ngục trung,

Tinh thần tại ngục ngoại.

Dục thành đại sự nghiệp,

Tinh thần cánh yếu đại.

Bốn câu thơ được Bác chép ngay ngoài bìa “Ngục trung nhật kí” cùng hình vẽ hai tay xiềng xích như lời đề từ cho toàn tập thơ. Giá trị tinh thần, lí tưởng của người chiến sĩ cộng sản, lòng yêu nước thương dân luôn nung nấu trong tâm can của Người, luôn đặt niềm tin vào thắng lợi ngày mai đã giúp người chiến sĩ cộng sản vượt qua mọi khó khăn trong chốn tù đầy.

Hồ Chí Minh luôn xem văn nghệ là một hoạt động tinh thần phong phú và phục vụ cho sự nghiệp cách mạng, góp phần vào đấu tranh giải phóng dân tộc:

Thơ xưa thường chuộng thiên nhiên đẹp,

Mây, gió, trăng, hoa, tuyết, núi, sông;

Nay ở trong thơ nên có thép,

Nhà thơ cũng phải biết xung phong.

 “Thép” là xu hướng cách mạng, là sáng tác luôn phải có chất thép, đấu tranh ngay cả trên mặt trận nghệ thuật, mạnh mẽ xung phong trên mọi trận tuyến. Ngay cả trong Thư gửi các họa sĩ nhân dịp triển lãm hội họa 1951, Người cũng nhắc lại “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận, anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”.

Chất “thép” được xuyên suốt trong toàn bộ tập thơ, với những hình ảnh ẩn dụ, được Bác dùng để nói lên tinh thần chiến đấu, nghị lực kiên cường vượt qua mọi khó khăn thử thách. Chất thép còn là phong thái ung dung tự chủ, vừa nóng lòng sốt ruột như lửa đốt, khắc khoải ngóng trời tự do, trong tâm trí Bác không nguôi nỗi đau đớn của dân tộc và nhân loại. Nhưng những lời thơ luôn mềm mại, tinh tế đi vào lòng người đọc như đứng trước thiên nhiên và tình cảnh:

“Trong tù không rượu cũng không hoa

Cảnh đẹp đêm nay khó hững hờ

Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ

Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ”

(Vọng nguyệt-Ngắm trăng)

Hoàn cảnh trong tù nhưng tinh thần Bác vẫn luôn lạc quan, yêu đời, chẳng cần phải có rượu có hoa mới có cảm hứng sáng tác như những thi sĩ khác, với Bác đêm nay chỉ có ánh trăng sáng đẹp rọi soi len lói qua khe cửa sổ, trăng như người khách quý ghé thăm, với Bác như tia hy vọng của sự sống, cuộc sống còn muôn vàn tươi đẹp, hạnh phúc đơn giản khi ta vẫn cảm nhận được ánh trăng, ánh vàng long lanh trong phòng giam như nhảy nhót trên từng trang giấy. Vầng trăng là biểu tượng cho vẻ đẹp vĩnh hằng của vụ trụ, là niềm cảm hứng sáng tác cho các thi sĩ, Bác của chúng ta cũng không thể cưỡng lại vẻ đẹp của ánh trăng đó, chắc chắn Bác phải có một tâm hồn nghệ sĩ để thưởng nguyệt. Trong tù với cái đói quay quắt, cái đau và sự hận thù càng tăng thêm tinh thần thép của Bác, dù khó khăn gian khổ cũng không làm bác nhụt chí. Hoàn cảnh nào cũng ưu ái rộng mở với thiên nhiên, biểu hiện của tinh thần thép Hồ Chí Minh. Bài thơ Vọng Nguyệt như một bức tranh tự họa, đàm đạo tri kỉ rất trữ tình của Bác trong Ngục trung nhật kí.

Chất thép còn được thể hiện bằng sự lạc quan ngay cả trong hoàn cảnh bị giải đi đày, dù có khó khăn xiềng xích nhưng vẫn vượt qua, giữ vững tinh thần quyết tâm để làm nên nghiệp lớn:

“Đi đường mới biết gian lao,

Núi cao rồi lại núi cao trập trùng;

Núi cao lên đến tận cùng,

Thu vào tầm mắt muôn trùng nước non.”

Bài “Đi đường”, trong hoàn cảnh Bác bị đày từ ngục này sang ngục khác với tư thế tay chân xiềng xích, nhưng với ý chí và nghị lực phi thường của người chiến sĩ cộng sản vẫn trong tư thế ung dung hòa quyện vào thiên nhiên, ở đây ta không thấy hình ảnh của người đang bị giam cầm mà chỉ thấy một tâm hồn tự do chiếm lĩnh, vẫn rất trữ tình với tình yêu thiên nhiên, đất nước, cảnh vật xung quanh chỉ khiến cho Bác thêm sức mạnh, tinh thần chiến đấu, một lòng hướng về quê hương đất nước.

Dù trong hoàn cảnh nào thì chúng ta cũng phải rèn luyện, phấn đấu để vượt lên, mỗi bài thơ trong tập Ngục trung nhật kí đều thấy được tinh thần thép, mỗi vần thơ Bác dùng mang ý nghĩa rộng lớn về nhiều mặt, càng đọc càng thâm thúy:

“Gạo đem vào giã bao đau đớn,

Gạo giã xong rồi, trắng tựa bông,

Sống ở trên đời người cũng vậy,

Gian nan rèn luyện mới thành công”

Bài “Nghe tiếng giã gạo”, mang ý nghĩa giáo dục rất sâu sắc về rèn luyện nghị lực bản thân mỗi con người chúng ta. Hai câu thơ đầu như lột trần được hoàn cảnh khó khăn, đau đớn cần phải trải qua, có tôi luyện mới đi đến được thành công. Sống trong tù, chịu đựng mọi sự hành hạ, nhưng Bác luôn coi đó là sự rèn luyện bản thân ví như hạt gạo, nhưng rồi sẽ trắng tựa bông. Tính ẩn dụ trong thơ Bác rất sâu sắc, để lại bài học quý báu muôn đời cho con cháu. Bác mãi mãi là tấm gương để thế hệ mai sau học tập, rèn luyện, phấn đấu.

Hình ảnh của người chiến sĩ cộng sản giàu lòng yêu nước, chan chứa tình yêu thiên nhiên, mang trong mình lòng yêu Tổ quốc, nơi xa xăm nghìn dặm với nỗi buồn như vạn mối tơ vò trong lòng, đau đáu nghĩ về quê hương, “Nghìn năm bâng khuâng hồn nước cũ”, Bác đã hóa lệ thành thơ, xúc động khi chúng ta đọc những vần thơ này, một trái tim vĩ đại, một con người sinh ra cho dân tộc Việt Nam.

Trong tập thơ Nhật kí trong tù mỗi vần thơ đều thể hiện sự cứng cỏi kiên cường, khi thì vút lên âm điệu tha thiết, ngọt ngào trữ tình, nhà thơ Hoàng Trung Thông viết “Vần thơ của Bác vần thơ thép - Mà vẫn mênh mông bát ngát tình”. Chất thép trong thơ thể hiện nghị lực, vượt qua mọi khó khăn không hề ủy mị tinh thần của người chiến sĩ cộng sản.

Nhà thơ Tố Hữu viết “Bác ơi tim Bác mênh mông thế - Ôm cả non sông mọi kiếp người”, tấm lòng của Bác bao trùm cả non sông, mọi kiếp người, tấm lòng ấy sẽ còn sống mãi trong lòng người dân Việt Nam.

Hình ảnh của người chiến sĩ cộng sản kiên cường bất khuất, không lùi bước trước mọi gian lao, mọi khó khăn chỉ là tôi luyện để hy vọng ngày mai sẽ thành công. Xuyên suốt tập thơ Nhật kí trong tù với 133 bài được viết bằng tiếng Hán là giọng điệu hừng hực khí thế chiến đấu, như cổ vũ, động viên, khích lệ, vũ khí đấu tranh trên mặt trận nghệ thuật. Tập thơ được viết trong một hoàn cảnh đặc biệt, thể hiện những nội dung tư tưởng vô cùng lớn lao của Người. Đó là sự hòa quyện giữa giá trị hiện thực và nhân đạo, giữa chất “thép” và tình cảm, là sự đau thương cực nhọc nhưng lại xen lẫn những tiếng cười trào phúng. Hơn nữa còn là sự đau khổ buồn bã nhưng cao hơn cả là niềm tin, khát vọng và sự lạc quan chưa bao giờ tắt trong tâm hồn người chiến sĩ cộng sản chân thực. Chất “thép” chính trong hoàn cảnh ấy mới càng thôi thúc tinh thần của Người, lúc nào cũng rực sáng ngọn lửa cách mạng, ngọn lửa của lòng yêu nước, thương dân, nỗi đau của dân tộc và nhân loại thiết tha với tạo vật. Ngọn lửa ấy chính là vẻ đẹp tâm hồn Bác.

(Vũ Nhíp – Bảo tàng tỉnh Gia Lai)

Tra cứu thông tin

Quy hoạch - Kế hoạch

Dự án đầu tư – Mua sắm công