TƯ TƯỞNG ĐẠI ĐOÀN KẾT QUA THƯ BÁC HỒ GỬI ĐẠI HỘI CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ MIỀN NAM TẠI PLEIKU NĂM 1946

Ngày đăng: 20/04/2022, 07:33

 

TƯ TƯỞNG ĐẠI ĐOÀN KẾT QUA THƯ BÁC HỒ GỬI ĐẠI HỘI

CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ MIỀN NAM TẠI PLEIKU NĂM 1946

 

Thư Bác Hồ gửi cho Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam năm 1946 (Đại hội) kêu gọi các dân tộc Tây Nguyên đoàn kết trong cộng đồng quốc gia dân tộc Việt Nam chống Pháp viết cách đây 76 năm, nhưng đến nay vẫn còn nguyên giá trị về lý luận, khoa học và thực tiễn. Đây là sự kiện có ý nghĩa lịch sử trọng đại không chỉ đối với Đại hội và những người dự Đại hội mà còn là tư tưởng chiến lược về đại đoàn kết dân tộc, về sức mạnh của Nhân dân trong cách mạng dân tộc dân chủ Nhân dân trước đây cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.

 

Địa điểm đón Thư Bác Hồ gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam tại Pleiku năm 1946

Địa điểm đón Thư Bác trước đây là một ngôi nhà sàn - Trung tâm diễn ra  Đại hội, nay là vị trí đặt bia đá ghi Thư Bác, tọa lạc trong khuôn viên trụ sở Tỉnh ủy, số 02 đường Hai Bà Trưng, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai.

Về lịch sử của ngôi nhà theo nhiều tài liệu còn ghi lại cho biết: Năm 1935, tên công sứ Pháp ở Pleiku cho xây dựng một ngôi nhà sàn, theo phong cách của người dân tộc tại chỗ để làm nơi ở và làm việc. Năm 1945, sau ngày khởi nghĩa giành chính quyền (23/8/1945), khi Uỷ ban cách mạng lâm thời tỉnh Gia Lai được thành lập đã lấy ngôi nhà này làm trụ sở. Tại ngôi nhà này đã diễn ra nhiều sự kiện lịch sử: Sau khi bầu cử đại biểu Quốc hội (23/12/1945), Gia Lai bầu Hội đồng nhân dân tỉnh (3/1946). Cuộc họp Hội đồng nhân dân đầu tiên để bầu Uỷ ban hành Chánh chính thức và bàn chương trình kháng chiến kiến quốc cũng họp tại ngôi nhà này.

Thạch đá khắc toàn văn Thư Bác Hồ gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam họp tại Pleiku,19-4-1946, tại Quảng trường Đại Đoàn Kết, thành phố Pleiku

 

Sau cách mạng tháng Tám (1945), nhiều đồng chí lãnh đạo ở Trung ương về công tác tại địa phương cũng được bố trí nghỉ tại ngôi nhà này như: Đồng chí Võ Nguyên Giáp (01/1946), các đồng chí mặt trận Việt Minh và Uỷ ban Hành chánh Trung bộ như: Tố Hữu, Nguyễn Duy Trinh.

Trước khi thực dân Pháp tái chiếm thị xã Pleiku (6/1946), ngôi nhà này cùng nhiều công sở đã bị phá theo lệnh tiêu thổ kháng chiến. Khi chiếm được Pleiku, người Pháp đã cho sửa chữa lại ngôi nhà nhưng vẫn giữ nguyên kiểu dáng nhà sàn cũ. Năm 1955, chính quyền Mỹ - Diệm và tỉnh trưởng Pleiku cho xây lại theo kiểu dáng nhà sàn trên nền cũ và với tên gọi là Biệt điện.

Vào ngày 01/11/1975, Tỉnh uỷ Gia Lai - Kon Tum đã tổ chức họp tại ngôi nhà này khi sáp nhập 2 tỉnh. Phiên họp đầu tiên của tỉnh Gia Lai- Kon Tum cũng được tổ chức họp tại nhà sàn này. Cuối năm 1975, Biệt điện là Nhà khách số 1 của UBND tỉnh, nhiều đồng chí lãnh đạo Trung ương Đảng và Chính phủ về thăm và công tác đã nghỉ và làm việc tại đây.

Ngày 26/12/2017, Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai ban hành Quyết định số 894/QĐ- UBND xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh Địa điểm đón Thư Bác Hồ gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam tại Pleiku năm 1946.

Một số đại biểu tham dự Đại hội đoàn kết các dân tộc thiểu số miền Nam

 

Thư Bác Hồ gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam tại Pleiku năm 1946 thể hiện tình cảm sâu sắc của Người dành cho đồng bào các dân tộc thiểu số miền Nam nói chung và Tây Nguyên nói riêng.

Gia Lai là một tỉnh nằm ở khu vực Bắc Tây Nguyên - một vị trí chiến lược vô cùng quan trọng ở Đông Dương. Nhiều nhà quân sự đã nhận định: Ai làm chủ Tây Nguyên là làm chủ Đông Dương. Đó cũng là lý do mà thực dân Pháp sớm tìm cách chiếm lại Tây Nguyên. Đứng trước tình hình mới, chính quyền cách mạng đã lãnh đạo Nhân dân đoàn kết xây dựng về mọi mặt và chuẩn bị kháng chiến.

Biết rõ Nam Trung Bộ nói chung, Tây Nguyên nói riêng là địa bàn có nhiều thành phần dân tộc cư trú. Thực dân Pháp và bọn tay sai dùng mọi thủ đoạn để chia rẽ các dân tộc. Nhận biết âm mưu của địch, để củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, tháng 3/1946, Ủy ban hành chính Trung Bộ quyết định thành lập Ban vận động quốc dân thiểu số Tây Nam Trung Bộ. Tháng 6/1946, thành lập Phân ban quốc dân thiểu số miền Nam Trung Bộ.

Ở Gia Lai, Phòng Quốc dân thiểu số cũng được thành lập do đồng chí Nguyễn Đức Lang làm Trưởng phòng. Tại địa bàn Tây Nguyên cũng như vùng núi các tỉnh miền Trung, Ban vận động quốc dân thiểu số và phòng Quốc dân miền núi các tỉnh thuộc khu V, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Khu ủy khẩn trương triệu tập Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam.

Ngày 19/4/1946 Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam chống Pháp được tiến hành tại Pleiku. Hơn 1000 người tham dự, gồm đại biểu các dân tộc Tây Nguyên và miền núi các tỉnh Nam Trung Bộ. Trong Lễ khai mạc, Đại hội trân trọng đón Thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh do đồng chí Tố Hữu - Phái viên của Trung ương và đồng chí Bùi San - đại diện Xứ ủy Trung Kỳ mang đến. Đại hội vô cùng xúc động khi được nghe những lời tâm huyết của Bác:

 “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau…

Giang sơn và Chính phủ là giang sơn và Chính phủ chung của chúng ta. Vậy nên tất cả các dân tộc chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ để giữ gìn nước non ta…Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt”[1]

Bức Thư chỉ khoảng 300 chữ nhưng hàm chứa nội dung phong phú và sâu sắc về tư tưởng đại đoàn kết dân tộc của Người, về tấm lòng của Đảng, của Bác, của Chính phủ đối với đồng bào các dân tộc thiểu số ở miền Nam. Trong Thư 5 lần Bác nhắc đến từ “đồng bào”, mỗi lần nhắc lại từ “đồng bào” chính là Bác thêm một lần nhắc đến nguồn gốc các dân tộc Việt Nam, qua đó kêu gọi quyết tâm giữ vững tình đoàn kết, khẳng định “nước Việt Nam là nước chung của chúng ta”.

Đồng bào các dân tộc tham quan Bia đề thư Bác gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam tại Pleiku 19-4-1946 trong ngày khánh thành, 28-3-2006.

 

Theo bút tích của đồng chí Nay Phin[2], đại biểu của tỉnh Gia Lai trực tiếp tham gia Đại hội, đại hội được tiến hành vào lúc 8 giờ sáng ngày 19/4/1946 và kết thúc vào lúc 9 giờ cùng ngày tại trụ sở của Ủy ban hành chính tỉnh. Mục đích của Đại hội là vạch trần âm mưu của thực dân Pháp, biểu dương lực lượng của ta, nội dung Đại hội bàn về tình hình và nhiệm vụ xây dựng bảo vệ xóm làng rừng núi Tây Nguyên, chống âm mưu trở lại xâm lược đất nước ta của thực dân Pháp, các đại biểu chăm chú nghe thư của Hồ Chủ tịch, phấn khởi, tin tưởng hứa quyết tâm thực hiện lời kêu gọi đoàn kết dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thư Bác được dịch ra nhiều thứ tiếng của các dân tộc để đọc tại Đại hội [3]. Các đại biểu tham dự Đại hội xúc động khi được tặng ảnh Bok Hồ và nghe Lời kêu gọi đại đoàn kết toàn dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, càng thấm sâu tình cảm của Người đối với đồng bào Tây Nguyên. Nhiều đại biểu đã giữ bức ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh suốt cuộc đời của mình [4].

Qua Đại hội, các đại biểu càng hiểu thêm âm mưu chia rẽ dân tộc thâm độc của thực dân Pháp; nhận thức sâu sắc chủ trương kháng chiến, kiến quốc đúng đắn của Đảng và Chính phủ, đồng lòng quyết tâm đứng lên cùng toàn dân đánh thực dân Pháp xâm lược và xây dựng đất nước. Đại hội đoàn kết các dân tộc đã làm cho tình đoàn kết các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên được tăng lên; ghi dấu ấn quan trọng về tinh thần đoàn kết kháng chiến giữa các dân tộc thiểu số và giữa các dân tộc thiểu số với đồng bào và cán bộ người Kinh trong sự nghiệp cứu nước. Đại hội thể hiện mối quan tâm đặc biệt của Trung ương Đảng, Chính phủ và Hồ Chủ tịch đối với các dân tộc thiểu số miền Nam và Tây Nguyên.

Hưởng ứng Thư gửi Đại hội và Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, khắp núi rừng Tây Nguyên đã dấy lên các phong trào thi đua giết giặc cứu nước. Trong những ngày tháng đói cơm, lạt muối, buôn làng luôn phải di dời để tránh càn, bố phòng đánh địch, người Tây Nguyên vẫn luôn mang trong tim hình ảnh Bác Hồ như điểm tựa sức mạnh tinh thần, vượt qua mọi gian khổ, khó khăn, phòng đánh địch bảo vệ buôn làng. Hàng vạn thanh niên dân tộc thiểu số của Tây Nguyên và cả nước đã hăng hái tham gia du kích, lên đường nhập ngũ chiến đấu bảo vệ quê hương, bảo vệ tổ quốc, lực lượng quân dân, du kích, bộ đội địa phương ở vùng núi rừng dần dần được hình thành và lớn mạnh, xuất hiện nhiều Anh hùng như Bok Wừu, Bok Núp… các phong trào như che chở, bảo vệ, nuôi dấu cán bộ, bộ đội người Kinh và các lực lượng kháng chiến; tự tạo những vũ khí thô sơ để đánh địch như cung tên, bẫy đá, hầm chông… hình thành và phát triển mạnh mẽ ở khắp các buôn làng Tây Nguyên làm cho kẻ thù phải khiếp sợ. Theo lời kêu gọi của Bác, đồng bào cả nước đã làm nên chiến thắng 30/4/1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Để lưu giữ Thư Bác, năm 1990, Bảo tàng Hồ Chí Minh Chi nhánh Gia Lai và Kon Tum (nay là Bảo tàng tỉnh Gia Lai) đã tổ chức dịch bức thư ra tiếng Jrai, Bahnar, có sự tham dự của đồng chí Bùi San, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng. Nhân kỷ niệm 60 năm Bác Hồ gửi Thư đến Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam (19/4/1946 - 19/4/2006), Ban chỉ đạo Tây Nguyên và Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp tổ chức "Đại hội đại đoàn kết các dân tộc Tây Nguyên" tại thành phố Pleiku trong 2 ngày 28 -29/3/2006. Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Gia Lai đã long trọng tổ chức Lễ khánh thành Di tích Thư của Bác Hồ được khắc trên bia đá ghi toàn văn Thư Bác được dựng trên nền nhà cũ nằm trong khuôn viên của trụ sở Tỉnh ủy Gia Lai. Toàn bộ nội dung thư Bác được khắc trên đá Thanh Hóa nguyên khối, nặng hơn 60 tấn, khối đá cao 5,4m, rộng 2,9m, dày 1,5m, phía trên tạc chân dung Bác Hồ trên biểu tượng đài sen. Hiện nay, mặt trước của bia đá được đổi khắc dòng chữ: “Nơi đây ngày 19 tháng 4 năm 1946 đã tổ chức Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam".

Ngày 19/12/2012, tỉnh Gia Lai đã tổ chức trọng thể lễ khánh thành công trình Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên tại Quảng trường Đại Đoàn Kết, thành phố Pleiku. Phía bên trái Quảng trường là bức thạch thư khắc toàn văn Thư Bác Hồ gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam họp tại Pleiku ngày 19/4/1946 để các tầng lớp Nhân dân trong và ngoài tỉnh, đặc biệt là thế hệ trẻ học tập và thấm nhuần tư tưởng đoàn kết các dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khối đá hoa cương khắc Thư của Bác Hồ gửi Đại hội đã được Hội Đá quý Việt Nam công nhận là Bức thư khắc trên khối đá nặng nhất Việt Nam.

Bí thư Tỉnh ủy đọc diễn văn tại buổi khánh thành bia di tích

 

Ngoài ra, tại Nhà trưng bày về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh (Bảo tàng tỉnh Gia Lai), bức Thư của Người còn được khắc trên gỗ hương nguyên khối, là loại gỗ quí của núi rừng Tây Nguyên, do phạm nhân ở trại giam Gia Trung điêu khắc. Bức thư có kích thước 121,5cm x 84cm, được mô phỏng nhà rông Tây Nguyên. Với những ý nghĩa hết sức to lớn đó, các phạm nhân trong trại Gia Trung (Gia Lai), bằng nghề đã học được trong thời gian tập trung cải tạo đã điêu khắc bức thư thể hiện lòng tôn kính, biết ơn vô hạn của những phạm nhân đối với Đảng và Bác Hồ kính yêu.

Giá trị lịch sử

Lời kêu gọi đại đoàn kết dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại hội đoàn kết các dân tộc thiểu số có ý nghĩa quan trọng đối với Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận Việt minh và Nhân dân các tỉnh Tây Nguyên đối với công tác vận động, đoàn kết dân tộc, chuẩn bị lực lượng kháng chiến ngay trước khi quân Pháp tái chiếm tỉnh. Đại hội là ngọn cờ tập hợp, đoàn kết rộng rãi đồng bào các dân tộc để kháng chiến, sau đại hội nhiều nơi trên địa bàn Tây Nguyên cũng như trong tỉnh đã tổ chức các cuộc liên hoan đoàn kết dân tộc, thề cùng nhau chiến đấu chống thực dân Pháp.

Bức thư tuy ngắn gọn, nhưng hàm chứa nội dung rộng lớn sâu sắc về tư tưởng đại đoàn kết dân tộc của Người, về tấm lòng của Đảng, của Bác, của Chính phủ đối với đồng bào các dân tộc thiểu số ở miền Nam. Thực tiễn lịch sử chứng minh đồng bào các dân tộc thiểu số ở miền Nam nói chung và Tây Nguyên nói riêng đã thấm nhuần lời dạy trong Thư Bác Hồ, đoàn kết một lòng quyết tâm theo Đảng, theo Bác Hồ làm cách mạng dù gian khổ hy sinh, dù đói cơm lạt muối vẫn không nao núng, sờn lòng cùng cả nước đánh thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ giành lại độc lập tự do cho dân tộc, thống nhất Tổ quốc, cùng cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, Tây Nguyên là địa bàn chiến lược quan trọng cả về kinh tế - văn hóa - xã hội - an ninh quốc phòng, nơi sinh sống của nhiều dân tộc anh em, do đó bọn phản động và các thế lực thù địch luôn tìm cách lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để kích động, chống phá gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc nhằm thực hiện âm mưu: “Diễn biến hòa bình” thì những lời dạy trong thư Bác Hồ gửi cho Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam tại Pleiku càng có ý nghĩa thực tiễn.

          Thay lời kết

Đây là di tích lịch sử có ý nghĩa rất quan trọng của dân tộc, thể hiện rõ tư tưởng xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh, có giá trị đặc biệt về giáo dục truyền thống lịch sử, chính trị, xã hội, bức thư hàm chứa nội dung phong phú và sâu sắc. 

Thấm nhuần tinh thần, tư tưởng và tình cảm Bác Hồ, 76 năm qua, các dân tộc thiểu số miền Nam, trong đó có các dân tộc thiểu số Gia Lai - Tây Nguyên đã chung vai sát cánh, đoàn kết đi theo Đảng và Bác Hồ làm nên kỳ tích này đến kỳ tích khác trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, xây dựng và phát triển quê hương, đất nước. Lời Thư của Bác như ngọn đuốc soi đường, chỉ lối, như tiếp thêm sức mạnh thần kỳ tinh thần đại đoàn kết cho các dân tộc Tây Nguyên. Trải qua bao biến cố, thăng trầm của lịch sử, phải đổ bao mồ hôi, xương máu, nhưng đồng bào các dân tộc Tây Nguyên luôn đoàn kết một lòng, nêu cao ý chí kiên cường, bất khuất trước quân thù, tỏ rõ tấm lòng thủy chung, son sắt đối với cách mạng, một lòng tin yêu Bác Hồ, tin yêu Đảng, lập nhiều chiến công hiển hách trong suốt quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ đất nước.

Nhìn lại chặng đường 76 năm thực hiện Thư Bác Hồ gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam (19/4/1946- 19/4/2022) chúng ta càng thấm nhuần sâu sắc tư tưởng đoàn kết dân tộc của Người. Tư tưởng trong bức thư của Bác Hồ vẫn còn nguyên giá trị, tiếp tục soi sáng từng chặng đường phát triển của Đảng bộ và Nhân dân thành phố Pleiku trong giai đoạn cách mạng mới. Năm 2019, Đại dịch Covid -19 bùng phát ở nhiều nước, xã hội bị xáo trộn, chúng ta đã thấy sự đồng lòng, quyết tâm của cả nước trong cuộc chiến chống đại dịch, với tinh thần chống dịch như chống giặc, mọi tầng lớp Nhân dân đã cùng các lực lượng vũ trang, y tế, thanh niên…. ra quân đồng loạt, bất kể ngày đêm để truy vết; các cơ quan, đoàn thể đã góp sức, góp tiền để tiếp tế nhu yếu phẩm cho đồng bào ở khu vực phong tỏa, những bếp lửa được duy trì để tiếp cơm, tiếp nước cho chiến sĩ ở mặt trận phòng, chống dịch… Tinh thần đoàn kết tương thân tương ái là truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam được giữ gìn từ thế hệ này sang thế hệ khác, truyền thống ấy càng tỏa sáng khi đất nước gặp khó khăn, thiên tai, dịch bệnh,...

Học tập, quán triệt và vận dụng những quan điểm, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Thư Bác, Đảng ta đã không ngừng phấn đấu, rèn luyện, để trưởng thành, đem lại những thành công có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong sự nghiệp đổi mới đất nước./.

                 

                                                         Phạm Thị Khoa Thi – Bảo tàng tỉnh

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Gia Lai, Lịch sử Đảng bộ tỉnh Gia Lai (1945 - 2005) NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội 2009.

2. Ủy ban mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh Gia Lai, lịch sử mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh Gia Lai (1930 -2005), NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội 2006.

3. Ủy ban trung ương MTTQVN, thông tin công tác mặt trận số 34 tháng 4 - 2006.

4. Ban chấp hành Đảng bộ Đảng Cộng Sản Việt Nam thị xã Pleiku, Thị xã Pleiku 60 năm chiến đấu và xây dựng (1930 -1990), NXB chính trị quốc gia, Hà nội 1994.

5. Nguyễn Thị Kim Vân, Đến với lịch sử - Văn hóa Bắc Tây nguyên, NXB Đà Nẵng, 2007.

6. Hồi ký của đồng chí Nay Phin (tháng 5/1981) lưu tại Bảo tàng tỉnh Gia Lai.

7. Bản lược kê lý lịch di tích “Địa điểm đón thư Bác Hồ gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam năm 1946” lưu tại Bảo tàng tỉnh Gia Lai.

 

 


[1] Lịch sử Đảng bộ tỉnh Gia Lai (1945 - 2005) NXB chính trị quốc gia, Hà Nội 2009, tr.148-149

[2] Đồng chí Nay Phin, dân tộc Jrai, sinh năm 1918, tại làng Ơi Nu, xã Ia Siơm, huyện Krông Pa, Tỉnh Gia Lai, nguyên Chủ tịch ủy ban hành chính huyện Cheo Reo (1945), nguyên đại biểu quốc hội, Phó Chủ tịch và Chủ tịch kháng chiến hành chính tỉnh Gia Lai, đại biểu quốc hội khóa I, II, III. Đồng chí cũng là người trực tiếp dịch thư Bác Hồ gửi Đại hội dân tộc thiểu số miền Nam Việt Nam ra tiếng Jrai đọc tại Đại hội.

[3] Hồi ký của đồng chí Nay Phin (tháng 5/1981) lưu tại Bảo tàng tỉnh Gia Lai.

[4] Cụ Rơ chom Yút ở làng Lút (Chư Pah) với lòng tôn kính Đảng và Bác Hồ đã vượt qua mọi sự nguy hiểm đến tính mạng, giữ trọn vẹn bức ảnh Bác qua suốt 20 năm chống Pháp, rồi đến kháng chiến chống Mỹ, Trong cao trào Đồng Khởi (1960- 1961) làng của cụ được giải phóng, cũng là lúc cụ lâm bệnh nặng, biết không qua khỏi, cụ trao lại kỷ vật thiêng liêng đó cho cán bộ cách mạng. Năm 1963, Tỉnh ủy Gia Lai chuyển bức ảnh Bác Hồ cho Bảo tàng cách mạng Việt Nam.

 

Tra cứu thông tin

Quy hoạch - Kế hoạch

Dự án đầu tư – Mua sắm công