THÚ CHƠI CỔ NGOẠN: KHÔNG CHỈ LÀ CUỘC CHƠI

Ngày đăng: 18/03/2022, 13:14

THÚ CHƠI CỔ NGOẠN: KHÔNG CHỈ LÀ CUỘC CHƠI

Xuân Toản

Thú chơi cổ ngoạn – một trong những thú chơi tao nhã, kỳ thú đến mê say, góp phần vào việc truyền đạt, gắn kết truyền thống văn hóa lịch sử xưa – nay, cũng từ đó, những giá trị truyền thống văn hóa, lịch sử được lưu giữ, trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Thú chơi cổ ngoạn ở nước ta được bắt nguồn từ thú thưởng ngoạn các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của các tầng lớp quý tộc, quan lại phong kiến. Dần dần các món đồ cổ trở nên quen thuộc, thú chơi dần được mở rộng hơn với nhiều tầng lớp trong xã hội. Không ồn ào, náo nhiệt như những trò tiêu khiển khác, thú chơi cổ ngoạn từ lâu như một mạch nước ngầm trong dòng chảy văn hóa góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần. Mỗi người đều có một lý do riêng để chơi, nhưng có thể nói rằng người chơi cổ ngoạn ngoài sự am hiểu sâu sắc về đồ cổ, về lịch sử, văn hóa, mỹ thuật của từng thời kỳ, trường phái… còn là người phải có tính hoài cổ, tri âm và thích khám phá những thông điệp ẩn chứa trong từng cổ vật. Do đó, thú chơi cổ ngoạn không chỉ xem như là một cuộc chơi đơn thuần mà bên cạnh các giá trị được xác định về vật chất, thì thú chơi đó mang ý nghĩa lớn về các giá trị tinh thần, trong đó yếu tố giữ gìn, trao truyền di sản là sợi dây kết nối giữa xưa và nay, giữa quá khứ và hiện tại giúp cho người đương thời hiểu được những gì mà người xưa để lại, từ đó càng trân trọng và nâng niu, gìn giữ.

Một trong những thú vui của người chơi cổ vật là nghiên cứu, tìm hiểu về nguồn gốc, kỹ thuật chế tác, phong cách tạo hình, đặc điểm của từng món cổ vật để từ đó nghiền ngẫm hiểu biết thêm về ý nghĩa lịch sử, văn hóa, phong tục tập quán của mỗi thời kỳ, mỗi dân tộc, mỗi đất nước thông qua các cổ vật được đặt trong từng bối cảnh lịch sử nhất định. Mỗi một cổ vật đều có câu chuyện riêng của nó, những thông điệp ẩn chứa bên trong càng làm cho người chơi càng khám phá càng ngỡ ngàng say mê, càng trân quý và tự hào về những dấu tích người xưa để lại. Bỏ qua yếu tố vật chất, cổ vật nào cũng “có hồn” và biểu thị về giá trị tinh thần, chỉ một cổ vật giản đơn cũng làm cho con cháu muôn đời sau nghiền ngẫm. Nhà sưu tập Vương Hồng Sển đã từng khuyên rằng: “khuyên các bạn nhỏ đừng thối chí, hãy sưu tầm và tìm hiểu đồ cổ trong lúc còn kịp thời, đừng đổ thừa không thạo chữ Hán, không độc được chữ viết trên tô trên chén xưa rồi ngã lòng, bởi vì mình có thể mượn các nhà hay chữ đọc giúp, điều cần yếu là phải biết mua kịp thời các vật cổ lạc loài, kẻo mất cơ hội tốt”.[1]

Thú chơi cổ ngoạn khởi nguồn và phát triển rộng rãi trên khắp mọi miền đất nước từ lâu đời, thú chơi ấy đã ăn sâu và bám rễ trong Nhân dân cho đến tận bây giờ. Đến nay, khi đời sống hiện đại có nhiều thú vui, giải trí hơn, thú chơi cổ ngoạn bị thu hẹp dần, phần lớn chỉ còn lại những người có đam mê. Tuy nhiên, không vì thế mà thú chơi ấy tàn lụi dần, vì đây cũng là thời điểm điều kiện kinh tế của người dân phát triển mạnh hơn, người dân có điều kiện để sưu tầm nhiều món cổ vật hơn, không cần thiết phải là những người có tiền trong xã hội mới sưu tầm được cổ vật.

Ở Gia Lai, số người chơi cổ ngoạn ước tính đến thời điểm hiện tại có khoảng 40 người, trong đó thành phố Pleiku là nơi tập trung số lượng người chơi tương đối lớn với mức độ, số lượng và loại hình cổ vật khác nhau. Người chơi cổ ngoạn đủ mọi lứa tuổi, thành phần, sở thích. Tùy vào điều kiện kinh tế của mỗi người có thể lựa chọn những cách chơi khác nhau. Ai có điều kiện vừa đủ thì có thể sưu tầm về chơi một thời gian để thỏa đam mê, xong lại giao lưu cho người khác, tiếp tục tìm món khác để chơi, hoặc ai khá giả hơn thì sở hữu những cổ vật có giá trị lớn hơn. Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Đình Tiến (cư trú tại số 156, đường Nguyễn Văn Cừ, thành phố Pleiku) – một trong những người đi buôn thượng sớm cho biết: “Vào những năm 70 thế kỷ XX, ông đã có mặt ở Gia Lai và bắt đầu nghề buôn thượng, chủ yếu là mua các loại chiêng, ché của người địa phương rồi bán lại cho các nhà sưu tập ở trong và ngoài tỉnh. Lúc đầu cũng vì miếng cơm manh áo, mua đi bán lại kiếm lời, rồi dần dần chiêng, ché như ngấm vào người như mê say, khó dứt ra được”. Đến nay, tuổi đã ngoài 70, ông đã riêng cho mình một gian trưng bày với những món cổ vật mà ông yêu quý, biểu hiện đặc trưng của văn hóa Tây Nguyên để sớm tối hàn thuyên với những người cùng đam mê. Còn đối với ông Võ Văn Hưng (cư trú tại số 55, đường Nguyễn Du, thành phố Pleiku) – một bác sĩ với thời trẻ tuổi có hơn chục năm lặn lội khắp các buôn làng công tác và tìm hiểu phong tục, tập quán của dân làng. Ông là người chơi khá đặc biệt, chỉ mua vào chứ không bán ra, với ông, “một cổ vật quý không chỉ có giá trị vật chất mà còn chứa đựng những ý nghĩa nhân văn sâu sắc, mỗi cổ vật đều có những thông điệp riêng, càng tìm hiểu càng tỏ nhiều điều thú vị, vì vậy chúng ta càng trân trọng và tự hào những gì mà người xưa để lại” – ông cho biết.

Người chơi cổ ngoạn thường hay lập những nhóm, hội gồm những người có cùng đam mê, thú vui để cùng nhau trao đổi kiến thức về cổ vật mà không hề bận tâm đến chức danh, nghề nghiệp, tuổi tác. Nhà sưu tập Mẫn Phong Sơn (Đắk Lắk) đã nói: “Khi đã đủ “say” họ không hề quan tâm đến bằng cấp, danh xưng, tuổi tác hay giàu nghèo, trên hết là sự đam mê, tìm tòi, hiểu biết về cổ vật”.

Thú chơi ấy, giúp cho người chơi ngộ ra những giá trị về Chân – Thiện – Mỹ trong hiện thực cuộc sống, giúp cho những vật thoạt nhìn tưởng vô tri vô giác sống lại trong không gian sinh tồn của chính nó và hơn nữa là góp phần gìn giữ và trao truyền di sản văn hóa của cha ông từ ngàn xưa để lại.

Một góc không gian trưng bày của ông Trần Đình Tiến

 

 

Cổ vật của các nhà sưu tập tư nhân trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Gia Lai

 



[1] Vương Hồng Sển, (1990), Thú chơi cổ ngoạn, Nxb. Thành phố Hồ Cí Minh, tr.175

Tra cứu thông tin

Quy hoạch - Kế hoạch

Dự án đầu tư – Mua sắm công