KHU CĂN CỨ KHÁNG CHIẾN GIỮA RỪNG NAM SÔNG BA

Ngày đăng: 04/03/2022, 13:38

KHU CĂN CỨ KHÁNG CHIẾN GIỮA RỪNG NAM SÔNG BA

Tận sâu trong những cánh rừng già nay thuộc quản lý của Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Sông Ba, trên địa bàn của 02 xã Chư Drăng và Uar, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai, nơi đây đã từng được Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk chọn làm nơi xây dựng căn cứ kháng chiến của tỉnh trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Khu căn cứ kháng chiến Čư Jŭ - Dliê Ya là căn cứ đầu não gắn liền với sự phát triển của cách mạng tỉnh Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung, ghi dấu nhiều chiến công hiển hách và khẳng định sự trưởng thành của Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk trong kháng chiến.

Theo kế hoạch phối hợp giữa hai Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai và Đắk Lắk cùng các sở, ban, ngành, địa phương liên quan đã tổ chức đoàn khảo sát, tìm kiếm, xác định vị trí và tiến hành khoanh vùng chuẩn bị cho công tác xây dựng Hồ sơ khoa học di tích. Đoàn đã tiến hành khảo sát những điểm di tích quan trọng của Khu căn cứ kháng chiến ČưJǔ – Dliê Ya tỉnh Đắk Lắk giai đoạn kháng chiến chống Mỹ 1954 – 1975 như: Khu vực K91, Đại hội 1, Đại hội 2, Đại hội 6 và địa điểm đóng trại của Ban An Ninh, Tỉnh đội, Ban Dân y, Ban Tuyên Huấn... mỗi điểm di tích trong Khu căn cứ Čư Jŭ - Dliê Ya đóng ở những địa thế khác nhau, đó là những nơi hiểm trở nhất, khó phát hiện nhất trong vùng rừng núi Čư Jŭ - Dliê Ya.

Địa điểm cơ quan Thường vụ Ban Cán sự Đảng tỉnh Đắk Lắk (K91)

Nằm đầu nguồn suối Ea Trăl, phía Đông vùng rừng núi Čư Jŭ - Dliê Ya, điểm di tích K91 là nơi đóng trại đầu tiên của cơ quan Thường vụ Ban Cán sự Đảng tỉnh Đắk Lắk từ 1955 - 1959. Trải qua hơn 60 năm, hiện tại ở điểm di tích K91 đã có sự thay đổi rất nhiều, với địa thế xung quanh khu vực này là rừng rậm, núi cao, có nhiều vách đá dựng đứng, ở điểm di tích này hiện nay là một bãi đất bằng phẳng rộng chừng 02ha, ở giữa có dòng suối chia cắt bãi đất thành hai đám rẫy nhưng cỏ cây đã mọc um tùm, hiện vật trong di tích đã bị xóa hết dấu vết kể cả các công trình như lán trại và các hạng mục khác mà trước đây các cán bộ chiến sĩ dựng lên để ở và làm việc. Trên bãi đất bằng chỉ sót lại những cây khoai mỳ (củ sắn), những bụi dứa, những cây đu đủ, hai cây mít do các chiến sĩ cách mạng trồng để tự túc lương thực trong khu căn cứ.

Địa điểm tổ chức Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ I

Nằm đầu nguồn suối Ea Hiăng, phía Tây vùng núi ČưJŭ - Dliê Ya, cuối 1959 đầu 1960 dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Khu ủy V, các cán bộ của cơ quan Ban Cán sự Đảng tỉnh Đắk Lắk chuyển từ địa điểm K91 lên đóng đầu nguồn Suối Ea Hiăng, tại đây Tỉnh uỷ đã tổ chức Đại hội Đảng bộ lần thứ Nhất (tháng 8 năm 1960) và đổi từ Thường vụ Ban cán sự Đảng tỉnh Đắk Lắk thành Tỉnh ủy Đắk Lắk. Trải qua nhiều năm, địa điểm diễn ra Đại hội I đã thay đối rất nhiều, hiện nay chỉ còn là một bãi đất chừng 01ha nằm theo hướng Đông Nam đầu nguồn suối Ea Hiăng, đây là nơi đóng lán trại của cơ quan Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk.  Cách địa điểm diễn ra Đại hội I khoảng 100m theo hướng Đông Bắc có một hang đá rộng khoảng 10m, cao 02 m, theo các lão thành cách mạng cho biết đây chính là nơi ở của đội Cảnh vệ và Thông tin điện đài thuộc Văn Phòng Tỉnh ủy phục vụ cho đại hội, khi đoàn khảo sát tìm thấy hang đá và phát hiện thấy những hiện vật như tay quay, pin điện, dây điện và hộp chứa điện đài ở phía trong hang.
 

Địa điểm diễn ra Đại hội I

 

Hang đá Đại hội I

Địa điểm tổ chức Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ II

Điểm diễn ra Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ II (tháng 8 năm 1963), đây cũng chính là điểm diễn ra Đại hội Thi đua Yêu nước tỉnh Đắk Lắk lần thứ I. Hiện nay ở khu vực diễn ra Đại hội II là một bãi đất bằng nằm phía Tây suối Ea Trăl. Cũng như các điểm di tích khác, tại điểm di tích nơi diễn ra Đại hội II không còn sót lại những dấu tích đáng kể, khi đoàn khảo sát tìm được điểm di tích này chỉ nhìn thấy một bãi đất, cây cối um tùm, đây là nơi đóng lán trại của cơ quan Văn Phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk từ 1962 - 1965. Ngoài cơ quan Văn phòng Tỉnh ủy, xung quanh còn có Xưởng lò rèn và Xưởng mộc, với nhiệm vụ sản xuất những công cụ phục vụ trong khu căn cứ của tỉnh Đắk Lắk. Phía Đông bờ suối Ea Trăl, cách điểm Đại hội II chừng 100m là đám rẫy của Ban An ninh Đắk Lắk, rộng chừng 05ha, trên đám rẫy này có hai ngôi mộ của hai chiến sĩ được các đồng đội an táng tại đây, hiện nay hai phần mộ này đã được quy tập về Nghĩa trang liệt sỹ huyện Krông Pa.

Hiện nay, những khu vực trước đây là lán trại của các cơ quan, nay cây rừng mọc lên, theo các lão thành cách mạng từng hoạt động trong khu căn cứ cho biết lúc bấy giờ khi chuyển địa điểm, hoặc dời căn cứ từ điểm này đến điểm khác phải tháo dỡ các công trình lán trại cũng như xoá hết  dấu vết, để không bị kẻ địch phát hiện.
 

Địa điểm diễn ra Đại hội 2

Điểm tổ chức Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ VI

Hiện tại ở điểm di tích này là một khu đất bằng phẳng nằm cách dòng suối Ea Mlan chừng 100m. Cũng như các điểm di tích khác, khu vực điểm tổ chức Đại hội VI (tháng 9 năm 1973) dấu tích còn sót lại không còn nguyên trạng, khi đoàn khảo sát tìm thấy điểm di tích này đã phát hiện được những công trình như: Hầm chữ Z và hầm chữ Y, mỗi hầm có kích thước chiều dài 03 m, chiều ngang 01m. Ngoài ra khi đi điền dã quanh điểm di tích này, đoàn khảo sát còn phát hiện và thu lượm được rất nhiều vỏ lon sữa được sản xuất tại miền Bắc, một số mảnh ni lông và viên pin cũ, 02 đôi giày cũ.. nhưng các hiện vật không còn nguyên vẹn.
 

 

Địa điểm diễn ra Đại hội VI

          Với tầm quan trọng về lịch sử của Khu căn cứ kháng chiến Čư Jŭ - Dliê Ya, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai sẽ tiếp tục phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk cùng các sở, ban ngành, địa phương của 2 tỉnh tiến hành xây dựng hồ sơ khoa học trình cấp có thẩm quyền xếp hạng di tích Khu căn cứ kháng chiến Cư Jŭ - Dliê Ya là di tích quốc gia trong năm 2022 để đáp ứng với nguyện vọng của Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk và Gia Lai trong việc phát huy giá trị lịch sử cách mạng của địa phương, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, đấu tranh cách mạng cho Nhân dân các dân tộc Tây Nguyên hôm nay và mai sau. Bên cạnh đó, đây cũng là cơ hội để huyện Krông Pa có một khu di tích cấp quốc gia, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch địa phương.

Đinh Sơn

 

 

Tra cứu thông tin

Quy hoạch - Kế hoạch

Dự án đầu tư – Mua sắm công