ĐỘC ĐÁO SƯU TẬP “BOM NÚI LỬA” Ở CHƯ ĐANG YA

Ngày đăng: 23/08/2021, 07:51

Bom núi lửa (còn gọi là đạn núi lửa), là một loại mạt vụn  có đường kính lớn hơn 64 milimét, là sản phẩm phun nổ của núi lửa, hình thành từ những khối dung nham sền sệt hoặc nửa rắn nửa lỏng được núi lửa phun vọt lên không trung, nguội dần và ngưng kết thành chất rắn trước khi rơi xuống mặt đất.
 
Trên thế giới, bom núi lửa được phát hiện ở nhiều nơi với nhiều kích cỡ khác nhau từ vài centimet cho đến vài mét. Điển hình tại Nhật Bản, bom do núi lửa Asama phun ra có đường kính 5 - 6 m, bay xa 600 m.
 
Ở nước ta, từ năm 2014, các chuyên gia địa chất hàng đầu bắt đầu nghiên cứu về núi lửa ở Tây Nguyên với hàng trăm ngọn núi đã tắt lửa từ hàng chục vạn năm, thậm chí hàng triệu năm trước. Nhiều núi lửa, qua thời gian bị mưa gió bào mòn, con người canh tác nên mất dần hình dạng và dấu vết ban đầu. Bom núi lửa cũng vậy đã bị vùi lấp và trở nên hiếm hoi...
 
Núi lửa Chư Đang Ya (Gia Lai) là địa điểm đầu tiên các nhà địa chất ở nước ta tìm thấy bom núi lửa, sau đó chúng còn được tìm thấy tại huyện Đức Trọng (Lâm Đồng), ở Chư Bluk huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông.
 
Đến đầu năm 2020, khi tiến hành lập hồ sơ khoa học cho di tích Núi lửa Chư Đang Ya, Bảo tàng tỉnh Gia Lai cùng với TS. La Thế Phúc và nhà nghiên cứu địa chất Lương Thị Tuất (Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam) tiến hành khảo sát và tìm thấy ở đây 14 tiêu bản bom núi lửa với nhiều loại hình khác nhau như: bom cannon, bom quả bàng, bom dạng dải (bom ruy băng), bom bánh mỳ…vv.

Ảnh 1: Chuyên gia Lương Thị Tuất (ngoài cùng bên phải) và sưu tập bom núi lửa Chư Đang Ya
đang lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Gia Lai

Sưu tập bom của núi lửa Chư Đang Ya đều cấu tạo từ đá basalt dạng bọt/lỗ hổng với kích thước và mật độ lỗ hổng khác nhau, niên đại được các nhà nghiên cứu xác định khoảng 5,3 ÷ 0,74 triệu năm thuộc hệ tầng Túc Trưng (βN2- Q1tt). Bom núi lửa tuy không có giá trị kinh tế, nhưng lại có giá trị khoa học giáo dục và giá trị trưng bày cao. Đặc điểm của mỗi quả bom, từ kích thước, hình dáng, cấu tạo, vỏ bom, rãnh/gờ bom, v.v. đều phản ánh đặc điểm cơ bản của môi trường thành tạo, đặc tính (thành phần, độ nhớt, mật độ khí, v.v.) của dung nham núi lửa, quá trình bom di chuyển trong không trung, phương thức và môi trường nơi bom tiếp đất, năng lượng phun nổ của lò magma, v.v.
 
    - Bom cannon: Là kiểu bom núi lửa thường có kích thước rất lớn, hình thành từ một khối dung nham được núi lửa tung lên không trung với một lực phun rất mạnh, sau đó rơi xuống sườn dốc của núi lửa và tiếp tục lăn xuống theo sườn dốc (Hình 2). Trong quá trình lăn xuống theo sườn dốc, vỏ ngoài của bom đã cuốn theo thêm một lượng dung nham lỏng hoặc được gắn thêm những mẩu vụn tro xỉ núi lửa, làm gia tăng kích thước của bom. Bom cannon trên thế giới cũng như ở Việt Nam là khá hiếm. Tại Chư Đang Ya, đã tìm thấy một bom cannon, phân bố ở sườn phía đông nam của núi lửa. Ngày 04/11/2018, mẫu bom cannon này đã được xe chuyên dụng cẩu, di chuyển và đặt tại vị trí cao nhất của núi lửa Chư Đang Ya để làm biểu tượng cho núi lửa này.

Ảnh 2. Bom cannon lăn xuống chân núi lửa (nguồn: internet, Lương Thị Tuất ST.)

Ảnh 3. Quả bom cannon ở Chư Đang Ya và lớp bám vụn núi lửa do bom lăn xuống theo sườn núi (Nguồn: La Thế Phúc, 3/2020).

Bom quả bàng: là kiểu bom có trục dài trùng với phương rơi trọng lực, các gờ, rãnh trên bom phản ánh rất rõ tính chất khí động học trong quá trình bay trong không khí với động năng lớn, độ nhớt của bom dung nham (trước khi đông cứng) là khá thấp. Bom quả bàng được bắt gặp khá phong phú và đa dạng về kích thước và các biến thể của nó ở khu vực sườn và chân núi lửa Chư Đang Ya.
 
Đây là kiểu bom chiếm tỉ lệ nhiều nhất trong bộ sưu tập (8/14, chiếm 57%) được đánh số thứ tự từ VB.CĐA3đến VB.CĐA10, ngoài ra còn có 1 quả bom mang đặc điểm trung gian giữa bom quả bàng và bom ruy băng.
 
Các tiêu bản bom quả bàng trong sưu tập ở Chư Đang Ya đều được làm từ đá ba – dan màu xám, có cấu tạo bọt khí nhỏvới kích thước từ 0,01 đến 1cm. Bọt khí được hình thành do quá trình tác động của luồng khí khi dung nham bay trong không trung và chưa đông cứng.

Ảnh 4. Mặt chính của bom quả bàng thu thập từ sườn TN núi lửa Chư Đang Ya. (Nguồn: Lương Thị Tuất, 2019)

Ảnh 5. Mặt bên của bom quả bàng thu thập từ sườn TN núi lửa Chư Đang Ya (Nguồn: Lương Thị Tuất, 2019)

- Bom dạng dải (hay còn gọi là bom ruy-băng):kiểu bom này tuy có mặt ở núi lửa Chư Đang Ya nhưng không phổ biến. Bom dạng dải được hình thành khi một lượng dung nham độ nhớt thấp, giàu bọt khí, được núi lửa tung lên không trung với động năng không lớn để có thể tạo gờ (hoặc “vây” hai bên) như bom quả bàng; dưới tác động của gió và trọng lực, các bọt khí trong mảng dung nham của bom tạo thành các ống khí nhỏ kéo dài theo chiều dài của bom, hình thành nên các dải dung nham dạng ruy-băng, nguội lạnh, đông cứng và tạo thành kiểu bom này. Trong thực tế, một dải bom ruy-băng ban đầu thường bị đứt/vỡ ngang thành những đoạn/khúc ngắn, cắt ngang cả những ống khí dài, tạo thành những lỗ hổng hình tròn trên mặt cắt ngang.

Hình 8. Một đoạn bị vỡ ngang của bom ruy-băng ở núi lửa Chư Đang Ya (Nguồn: Huỳnh Bá Tính, 2020).

Hình 9. Bom bánh mì ở núi lửa Chư Đang Ya (Nguồn: Huỳnh Bá Tính, 2020).

Bom bánh mỳ: bắt gặp rất ít ở núi lửa Chư Đang Ya. Kiểu bom này được hình thành khi khối/vốc dung nham sau khi được núi lửa tung lên không trung vẫn chưa đông cứng hẳn, mà chỉ mới hình thành vỏ cứng mỏng ở bên ngoài thì đã bị rơi xuống đất/tiếp đất. Do quá trình giảm áp nên phần lõi chưa đông cứng của bom tiếp tục được nở ra, cùng với tác động của trọng lực khi tiếp đất đã làm cho lớp vỏ cứng và mỏng của bom nứt ra, tạo thành những vết nứt nguyên sinh. Hình thái quả bom không được định hướng theo phương trọng lực mà có xu hướng bị biến dạng ép dẹt theo phương nằm ngang, song song với mặt đất. Cơ chế thành tạo cũng như cách tiếp đất của bom bánh mỳ gần giống với bom phân bò (cow dung bomb) ở các núi lửa khác, nhưng độ nhớt của dung nham tạo nên bom phân bò thấp hơn và xét về chi tiết thì khe nứt nguyên sinh và hình dạng của bom phân bò có những nét khác biệt so với bom bánh mỳ.
 
Sau khi phát hiện, chuyên gia Lương Thị Tuất đánh giá “bộ sưu tập bom núi lửa ở Chư Đang Ya là thành công của các nhà địa chất Việt Nam khi nghiên cứu núi lửa ở khu vực Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng. Chỉ với một diện tích khiêm tốn ở núi lửa Chư Đang Ya đã tái hiện sinh động lịch sử phát triển địa chất của cả một khu vực rộng lớn giúp các nhà khoa học hiểu chính xác bản chất của tầng sâu Trái Đất, sự tương tác giữa phần vật chất được núi lửa phun lên với các luồng khí động học và bầu khí quyển”.
 
Bà Tuất cho biết, việc núi lửa Chư Đang Ya có những mẫu vật về di sản thiên nhiên như vậy là rất quý giá. Cùng với núi lửa, sưu tập “bom núi lửa” sẽ là những giáo cụ trực quan, sinh động để nâng cao nhận thức cộng đồng về di sản thiên nhiên và bảo tồn di sản địa chất, phục vụ du lịch và phát triển kinh tế.
 
Trên thế giới, “bom núi lửa” được thu thập và trưng bày ở các bảo tàng lịch sử tự nhiên, bảo tàng núi lửa học, bảo tàng công viên địa chất và các khu di sản nhằm nâng cao tri thức cho cộng đồng.
 
Sưu tập bom núi lửa Chư Đang Ya là sưu tập bom núi lửa đầu tiên tại Việt Nam, tương đối đầy đủ các loại hình mà chưa địa phương nào có được. Việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích cần hướng đi kết hợp giữa di sản thiên nhiên và di sản văn hóa để khai thác du lịch, phục vụ nghiên cứu. Du khách khi đến tham quan núi lửa không chỉ thưởng ngoạn một cảnh đẹp tự nhiên do thiên nhiên ban tặng, nghe giới thiệu các truyền thuyết về loài hoa dã quỳ, núi lửa Chư Đang Ya, mà còn được tiếp cận di sản về mặt địa chất, khoa học tự nhiên, về cơ cấu hình thành núi lửa và “bom núi lửa”… điều đó sẽ mang lại hiệu quả về nhiều mặt cho vùng đất này.

Bài và ảnh: Huỳnh Bá Tính – phòng Nghiệp vụ Bảo tàng tỉnh

Tra cứu thông tin

Quy hoạch - Kế hoạch

Dự án đầu tư – Mua sắm công