TÍNH TÂM LINH VỀ TƯỢNG MỒ CỦA NGƯỜI BAHNAR & JRAI TỈNH GIA LAI

Ngày đăng: 17/08/2021, 09:48

Văn hóa dân gian truyền thống các tộc người thiểu số Tây Nguyên, năm 2005 đã được tổ chức Quốc tế Unesco tôn vinh là Kiệt tác Di sản & văn hóa phi vật thể truyền khẩu của nhân loại. Năm 2008, Unesco một lần nữa lại công nhận Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho thế giới. Không gian văn hóa có nguồn gốc từ nền văn minh nương rẫy ấy, bao gồm không chỉ rừng núi, bến nước, kiến trúc nhà sàn, nghệ thuật tạo hình, nghề thủ công, lẫn môi trường diễn xướng cồng chiêng. Trong đó có nghệ thuật tạc tượng nhà mồ.

ảnh sưu tầm

Tượng nhà mồ trong đời sống của người Tây Nguyên

Tượng nhà mồ như tên gọi của nó trong tiếng Jrai là “gâng mxát (cột nhà mồ) hoặc H’rúp m’xát (hình “tượng” nhà mồ, H’rúp còn có nghĩa là ảnh, giống nhau…)” tiếng Bahnar gọi là “mur bơ sát” còn gọi là “mur gốp” chỉ được đặt ở nhà mồ, sau lễ bỏ mả tiễn người chết về “làng ma” vĩnh viễn, sau đó để mặc cho tượng mồ tàn tạ cùng mưa nắng, Ông Nay Toang, Y Sê người Jrai khẳng định trong ngôn ngữ người Jrai không có từ nào chỉ tượng gỗ dân gian, trong ngôn ngữ của Jrai người ta gọi “nhà” mồ (mồ mả) là M’xát. Người chết sau khi chôn người ta thường dựng một cái nhà che cho nấm mộ ấy nên gọi là nhà mồ (sang M’xát) (M’xát tức là nghĩa địa) những gì làm cho người chết đều gắn với M’xát là nói đến sự tách bạch giữa người sống với người chết. Vì vậy tượng nhà mồ là tượng dùng cho người đã chết. Trong tiếng Jrai, Bahnar không có câu dịch là tượng vì vậy ta chỉ có thể tạm dịch để thống nhất cảnh - hiểu về nó: tiếng Jrai có nhiều cách gọi chung quy cơ bản có 2 từ là H’rúp, m’xát (hình ở nhà mồ) và gâng m’xát (cột ở nhà mồ). trong tiếng Bahnar là Mur gốp .
 
Tượng nhà mồ truyền thống của người Jrai, Bahnar trước kia cũng như bây giờ ngoài 3 màu cơ bản đó là màu đen của than, đỏ của huyết con vật hiến sinh hoặc nhựa của một loại cây và trắng của nguyên thớ gỗ, thậm chí còn không dùng màu, tượng nhà mồ trước kia được đẽo đường nét thô sơ, không gọt giũa. Đặc biệt: tượng nhà mồ chỉ đặt ở không gian nhà mồ, người ta rất kiêng kỵ đặt tượng mồ ở nơi người đang sống…bởi đặt ở những nơi đó theo quan niệm của người Jrai, Bahnar và các dân tộc TN khác là sự xui xẻo.
 
Chúng ta đều hiểu là tượng nhà mồ nhưng thực tế ở nhà mồ không chỉ có tượng mà còn có cột kut, cột Klao không được tạc thành tượng mà chỉ được khắc họa hoa văn theo quan niệm của mỗi vùng khu vực hoặc dân tộc mình.
 
Tượng nhà mồ là thể hiện tâm tư tình cảm của người sống giành cho người chết thông qua đó người làm tượng được tự do mô tả đời sống hiện thực mà họ và người chết đã trải qua…vì vậy tượng nhà mồ được làm và thể hiện khá phóng khoáng tùy theo tâm tư tình cảm, suy nghĩ và đôi bàn tay khéo léo của nghệ nhân…có thể khắc họa những hình ảnh đời thực như chú bộ đội, cầu thủ đá bóng, và đặc biệt hơn cả là những tượng người được thể hiện trong tư thế phô bày bộ phận sinh dục nam nữ hoặc đang giao hoan.v.v.v..giải thích hiện tượng này vẫn còn là một ẩn số dù đã có nhiều nhà nghiên cứu cũng đã đề cập đến nó…

Tại sao lại nêu vấn đề này?

Bởi vì muốn phát huy được những giá trị văn hóa truyền thống trong đó có tượng nhà mồ và trước hết phải thấu hiểu về nó một cách cơ bản, nhất là vấn đề tâm linh, cũng như nghiên cứu nó trong tính nguyên hợp.
Đó là một trong những vấn đề bài viết rất quan tâm cũng như đã tham khảo một số ý kiến của các tri thức là người dân tộc tại chỗ như:
 
-Ông Kpặ Pual, Trưởng phòng giáo dục dân tộc, Sở Giáo dục tỉnh Gia Lai chia sẻ: giữa người sống và người chết là 2 thế giới cách biệt trái ngược nhau vì vậy tượng nhà mồ nếu đặt nơi người sống quan niệm là xui xẻo…(người sống ở đó cũng sẽ gặp những điều không may mắn);
 
-Ông Y Yin Nguyên Phó giám đốc sở GDĐT, nguyên hiệu trưởng trường trung học Dân tộc nội trú tỉnh Gia Lai; Ông Kpuih Y Sê giáo viên cấp II trường Huỳnh Thúc Kháng dân tộc Jrai cùng có chung một ý kiến:
 
“Xuất phát từ việc chia sẻ với người đã khuất mà có các nhóm tượng nơi không gian nhà mồ. Đó có thể là hình ảnh vợ, chồng, bè bạn, thậm chí là người “hầu”…được tái tạo theo người đã khuất và có để được hồi sinh cho các kiếp sau. Phần nào tượng còn khiến cho không gian khu mộ bớt lạnh lẽo khi được bỏ mả.Chính vì vậy mà tượng mồ, đặc biệt các nhóm tượng phồn thực không nên đặt ngoài vị trí không gian nhà mồ. Bởi hình ảnh tượng nhóm phồn thực tại khu nhà mồ thường mang tính ước lệ….nhân cách hóa trong tạo hình, kích thước…quá khổ…Nếu tính tâm linh mang ý nghĩa phồn thực trong khu nhà mồ - được trưng bày nơi công cộng, khu du lịch, là thiếu tôn trọng và là sự súc phạm về văn hóa của người Jrai - từ một số người ít hiểu biết về văn hóa của các tộc người này,  cộng với sự nhiệt tình nghiên cứu và quản lý văn hóa một cách không thấu đáo thì hậu quả nó khôn lường cho một nét đặc trưng trong văn hóa truyền thống của người Jrai & Bahnar ... ”
 
Ông Y Thương nguyên là cựu học sinh Miền Nam già làng Plei Kto, Kon Gang, 60 tuổi cho rằng người Bahnar tại Kon Gang và Mang Yang không có tượng đặt ở nhà rông hay nhà ở. Nếu nói đến tượng chỉ có duy nhất là tượng nhà mồ được đặt trong khu nhà mồ…
 
-Theo ông Nay Toang ở Iasiem Krong Pa Nguyên đội viên chiếu bóng của ngành Văn hóa tỉnh Gia Lai; Bác sĩ Rơ Mă Phiên công tác tại Trung tâm phòng chống bệnh Xã Hội tỉnh Gia Lai; Bà H’Liu biên tập Báo Gia lai; Ông Siu Tuor nguyên Phó phòng dân tộc truyền hình truyền hình tỉnh Gia Lai:không đặt tượng tại nhà rông và nhà ở nếu có chủ yếu là khắc tượng nổi, hoa văn trang trí vui tươi trực tiếp trên cột chứ không có làm tượng người để trang trí v.v.v

Vai trò quản lý văn hóa và nâng cao tính bảo tồn, phát huy giái trị tượng mồ trên địa bàn tỉnh:

Trong thời gian qua ngoài chuyện tượng mồ ngày càng mai một bởi không gian làng hiện nay đã thưa dần nghi lễ bỏ mộ và các bước chuẩn bị chu đáo như ngày xưa… họ cũng bớt các thủ tục hơn, người chết làm 2,3 ngày rồi đi chôn xây mộ thế là xong… nhưng qua tìm hiểu và khảo sát…một số nơi ở tỉnh nhà  không hiểu căn cứ hay là sáng kiến của tập thể, cá nhân nào đề xuất đã hồn nhiên thiết kế bố cục những tượng mồ quanh nhà rông sừng sững như đúng rồi… ví dụ như làng Văn hóa du lịch Plei Ốp, tp Pleiku cũng tạo hình bằng sắt thép, xi măng, sơn giả gỗ… và rồi tiến tới nguyên một vườn tượng ngay sát bên nhà rông (có thể nói đây là một hiện tượng lạ) bài viết không bàn đến chất liệu làm tượng chỉ bàn đến quan niệm và  vị trí của tượng không phải ở nhà rông. Có nhưng du khách đến thăm quan tại làng Ốp thốt lên một câu “ủa tóm lại khu này là nhà Rông hay nhà Mồ” làm mọi người xung quanh không biết trả lời thế nào???; hoặc trong buổi lễ hội Chư Đăng Ya Ban tổ chức cũng thiết kế tượng nhà mồ được xếp quanh nhà rông (nhìn tưởng chừng như văn hóa truyền thống lắm) nhưng thật sự những người bản địa hiểu luật tục và có kiến thức họ cảm thấy rất buồn …


Có cả những đề tài khoa học cấp tỉnh của những nhà nghiên cứu trẻ với số lượng nghệ nhân tạc tượng đáng ghi nhận của tác giả bài báo “Chung tay giữ nghề tạc tượng gỗ dân gian” của tác giả Phạm Kiên trên trang mạng http://www.nhandan.com.vn/vanhoa/di-san/item/30898002-chung-tay-giu-nghe-tac-tuong-go-dan-gian.html ngày 06/10/2016  với 120 tượng, trong đó tượng gỗ BahNar 50 tượng, tượng gỗ Jrai 70 tượng. Thật đáng trân trọng tâm huyết của những người tổ chức, đặc biệt là tài nghệ của các nghệ nhân. Và qua đây chủ đề tài có thể cho mọi người biết được sự giống và khác nhau của tượng người Bahnar và Jrai để mọi người có thêm hiểu thêm về vấn đề này … thế thì tốt quá chẳng có gì để bàn… nhưng tượng mồ bỗng dưng được đổi tên thành “tượng gỗ dân gian”; những gam màu truyền thống đỏ sẫm, đen, nâu…. bị biến mất thay vào đó là đỏ chót, xanh lét nõn chuỗi, vàng ươm….được trưng bày theo kiểu giới thiệu, xếp hàng tại Đồng xanh rất hoành tráng… nhưng lại không toát ra được cái hồn của tượng, ý nghĩa của tượng, chức năng nhiệm vụ của tượng… vậy vài chục năm nữa khi tượng đã mất hẳn …. Các thế hệ sau sẽ hiểu tượng mồ sang một khía cạch khác có thể tích cực, mà cũng có thể tiêu cực… bởi những tượng nam nữ giao thoa giữa trời đất… mà không thể hiểu nguồn gốc, quan điểm, tính tâm linh của tượng
 
Tôi xin trích lời nói của ông Kpui Y Sê “việc đặt tượng nam nữ khỏa thân trong tư thế giao hợp ngoài không gian nhà mồ để trưng bày cho khách du lịch là một sự bôi bác, thóa mạ người Tây Nguyên”, không biết điều đó có đúng?
 
Là một người cũng có quan tâm đến văn hóa Tây Nguyên nói chung trong đó có tượng nhà mồ Tây nguyên, bản thân có một số quan điểm, chứng kiến của mình cụ thể như sau:
 
- Không gian nhà mồ …nó được nhìn phân biệt và nhận biết là khu nhà mồ bởi nhà mồ, những cột “gâng” hoa văn, “kút”, “klao”, tượng gỗ và những cây cổ thụ lâu năm đặc biệt là cây pơ lang (gạo) to và nhiều ở những khu vực này.
 
Khi nói đến tượng gỗ Tây nguyên, trong tiềm  thức của người Tây Nguyên cũng như các nhà nghiên cứu sẽ nghĩ ngay đó là tượng nhà mồ, đó là những bức tượng dựng ở nhà mồ và khu nhà mồ. Trang trí nhà ở được các nghệ nhân chạm khắc, tạc trực tiếp vào cột nhà, cầu thang như núm vú, quả bầu, nồi đồng…..tượng rời hầu như chỉ có hình chim, nồi đồng, búp hoa plang… Chủ yếu sau 1975 có sự ảnh hưởng không nhỏ đến tâm linh, sự thay đổi về tư duy cách sống v.v.v.. thú chơi tượng của người miền xuôi, nên trong nhà rông, nhà sàn, nhà ở của người Bahnar, Jrai đã ít nhiều xuất hiện tượng người, tượng trang trí…Vì thế trong các lễ hội, hội thi tạc tượng, những công trình trưng bày tượng nhà mồ nên làm mô hình nhà mồ tạo nên không gian nhà mồ ngoài việc giới thiệu ý nghĩa của từng hình khối tượng ra còn giới thiệu về ý nghĩa của tượng mồ, quan niệm của người Jrai, Bahnar về tượng mồ khi để quan nhà mồ. Có như vậy ngoài việc bảo tồn phát huy còn gìn giữ đúng bản chất văn hóa, quan niệm của người dân nơi đây đặc biệt cho thế hệ trẻ hiểu sâu sắc về hiện tượng văn hóa cũng như phân biệt văn hóa của dân tộc này khác dân tộc kia bởi nén văn hóa đặc trưng vùng miền…
 
- Về màu sắc trang trí cho tượng nên sử dụng bằng gam màu truyền thống, vẫn đảm bảo sự sống động cho tượng gỗ song lại không mất đi sự mãn nhãn của người thưởng thức khi nhìn ngắm tượng gỗ trưng bày. Màu không có trong truyền thống như màu xanh lá chuối, màu vàng cam, màu đỏ chót (tươi) quan niệm màu đỏ tươi là điềm xấu (khác với đỏ sẫm là điềm tốt).Những tượng trong đề tài “tượng gỗ Tây Nguyên” tại Đồng xanh theo tôi nên sơn lại màu sắc của 3-4 tượng của nhóm Jrai Tbuăn – Chư Prông do nghệ nhân Siu Onh, Phuih Hyor, Rơ Lan Mit sơn màu xanh, cam, vàng đề nghị sửa lại màu truyền thống đen, đỏ, trắng…(tránh trường hợp các tổ chức, cá nhân tìm hiểu văn hóa truyền thống Tây Nguyên ngoại khóa cho các em học sinh, sinh viên, nghiên cứu… khi có câu hỏi màu chủ đạo trang phục của người Jrai, Bahnar là màu gì? Sẽ có câu trả lời là: Màu xanh màu vàng, màu đỏ tươi…..điều đó đã được minh chứng bởi đề tài cấp tỉnh được trưng bày ở Đồng xanh ….Và lúc ấy chúng ta lại giải thích thì sẽ rất khó khăn …)


ảnh sưu tầm

Bài viết cơ bản chỉ là nêu ý kiến, quan điểm của cá nhân, trong đó có tham khảo ý kiến của một số tri thức là người dân tộc thiểu số tại chỗ là những người luôn quan tâm đến văn hóa truyền thống nói chung trong đó có tượng nhà mồ nói riêng … họ ở những vị trí, chức năng, vai trò khác nhau trong xã hội vì thế  không có nhiều điều kiện được thể hiện, đóng góp hay tham gia trong các Ban tổ chứ lễ hội, góp ý cho những đề tài to, nhỏ các cấp... Cũng như họ, tôi có ý thức ngay trong chính gia đình, dòng họ, truyền dạy con cháu ý thức văn hóa truyền thống của dân tộc mình đã tồn tại bao đời nay. Đó là một trong những đóng góp nhỏ bé, âm thầm, lặng lẽ vào việc gìn giữ phát huy văn hóa truyền thống, bởi họ chính là chủ thể của vấn đề nói trên...
 
Bằng lòng với dòng chảy của thời gian, như chúng ta đã biết “vật chất không mất đi,  chỉ có thể chuyển từ dạng này sang dạng khác”...)cùng với sự phát triển chóng mặt trên mọi lĩnh vực KT-XH  từ Trung ương, địa phương, đến từng con phố, ngõ làng cho tới tận buôn, plei... không những làm biến đổi không gian mà cả tư duy quan niệm của người thiểu số. Song, làm sao để nhiều năm sau ... khi con cháu chúng ta lớn lên, văn hóa truyền thống của các tộc người thiểu số Tây Nguyên, kiệt tác Di sản & văn hóa vật thể của nhân loại vẫn còn đó, cũng như đừng mất đi những nét văn hóa truyền thống ở khu nhà mồ (cho dẫu hoang lạnh do sự tàn phá của thiên nhiên), vẫn là điểm nhấn trong văn hóa truyền thống các tộc người thiểu số tại chỗ ở tỉnh Gia lai nói riêng, Tây Nguyên nói chung. Bởi trong sự phát triển giao thoa văn hóa như hiện nay thì tình trạng mất trắng khu nhà mồ theo kiểu truyền thống của người Bahnar, Jrai nói riêng và các dân tộc Tây nguyên nói chung, và không gian nhà mồ không còn nguyên vẹn vẻ hoang sơ nữa điều đó đã thấy nhãn tiền...Tượng nhà mồ cũng như mô phỏng không gian nhà mồ sẽ chỉ còn thấy với cái gọi là: khu du lịch sinh thái, như bài viết trao đổi tác giả Linh Nga Niêk Dam  đã nêu: “vườn tượng đã được dựng lên ở Khu du lịch sinh thái Bản Đôn của Thanh Hà, Đăk Ruco ở Đăk lăk, Măng Đen ở Kon Tum, Khu du lịch sinh thái Đồng Xanh ở Gia Lai…làm nên một nét mới, một điểm đến lạ lẫm, thú vị cho “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”… tuy nhiên việc xây dựng tượng nhằm giới thiệu sản phẩm Tây Nguyên - tượng nhà mồ Tây Nguyên là rất cần thiết nó chỉ mang tính mô phỏng nhưng phải đảm bảo tính cổ truyền, truyền thống thô sơ, mộc mạc của tượng mồ cũng như các gam màu chủ đạo truyền thống nhằm thu hút khách du lịch chiêm ngưỡng nhưng vẫn hình dung được đúng bản chất thô sơ, mộc mạc chứa đựng sự huyền bí đâu đó trong dĩ vãng khi nghĩ về tượng nhà mồ Tây Nguyên nói chung. Đó là một tư liệu quý giá, sống động để thế hệ sau tự hào và tiếp tục nghiên cứu với con đường đúng đắn không bị lệch lạc trong việc gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa của dân tộc mình...

Bài : Y Phương

Tra cứu thông tin

Quy hoạch - Kế hoạch

Dự án đầu tư – Mua sắm công