HỘI THẢO QUỐC TẾ: MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG - NHỮNG CHUYỂN ĐỔI BẢO TÀNG SÁNG TẠO

Ngày đăng: 15/11/2021, 13:48

HỘI THẢO QUỐC TẾ: MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG - NHỮNG CHUYỂN ĐỔI BẢO TÀNG SÁNG TẠO

Xuân Toản

Vừa qua, Ban Lãnh đạo Bảo tàng tỉnh Gia Lai cùng toàn thể viên chức chuyên môn đã tham gia Hội thảo quốc tế trực tuyến: “Mục tiêu phát triển bền vững - Những chuyển đổi bảo tàng sáng tạo” trên nền tảng Webinar (kết hợp với Heritage Matters Global Webinars).

Hội thảo do Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam (VME) phối hợp với Trung tâm Quốc tế về Lãnh đạo Văn hóa hòa nhập (Đại học Quốc gia Anant Ấn Độ); Bảo tàng Hòa nhập và Phát triển Di sản bền vững (Ấn Độ) tổ chức. Hội thảo được diễn ra dưới hai hình thức: Trực tiếp tại Hội trường 3D, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, số 1 Liễu Giai, Hà Nội; và trực tuyến trên nền tảng Webinar (kết hợp với Heritage Matters Global Webinars). Ngôn ngữ chính của Hội thảo: Tiếng Việt (có phiên dịch tiếng Anh).

Hội thảo do TS. Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam chủ trì thu hút nhiều chuyên gia, học giả trong và ngoài nước tham gia trực tiếp và trực tuyến: Giáo sư Amareswar Galla, Đại học Quốc gia Anant, Ấn Độ, PGS.TS Nguyễn Văn Huy - Giám đốc Bảo tàng, Nguyễn Văn Huyên, PGS.TS Laurel Kendall - Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Hoa Kỳ, PGS.TS. Lim Tit Meng - Hội đồng quản trị Trung tâm Khoa học Singapore, TS. Trần Xuân Thảo - Giám đốc Bảo tàng chứng tích chiến tranh cùng nhiều chuyên gia và bảo tàng trong cả nước.

Phát biểu đề dẫn hội thảo, TS. Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, cho biết: Các mục tiêu phát triển bền vững là chương trình toàn cầu nhằm giải quyết một loạt thách thức xã hội và môi trường, đưa thế giới đi tới một tương lai bền vững vào năm 2030. 

Hội thảo nhằm nâng cao năng lực của đội ngũ lãnh đạo, quản lý, nhân viên của bảo tàng thông qua việc tìm hiểu diễn ngôn quốc tế đương đại về bảo tàng học, nhân học; xem xét tác động của COVID-19 với sự tham gia của các bảo tàng kết hợp cả hình thức trực tuyến và trực tiếp; xem xét các nghiên cứu từ những khu vực khác nhau trên thế giới trong việc hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững; xác định những ưu tiên của các bảo tàng trong giải quyết vấn đề di sản vật thể và phi vật thể của các nhóm dân tộc dễ bị tổn thương gắn với biến đổi khí hậu…

 

Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận và đưa ra những bài học kinh nghiệm trong lập kế hoạch bảo tàng gắn với các mục tiêu phát triển bền vững… đồng thời đề xuất các giải pháp về việc chuyển đổi bảo tàng nhằm phát triển bền vững trong thời gian tới. Trong đó, vấn đề bảo tàng với đời sống đương đại đặc biệt được quan tâm, khi đề cập đến vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Văn Huy - Giám đốc Bảo tàng cho rằng: Đời sống đương đại, những gì vừa mới xảy ra, những ký ức chưa thật xa xôi, những câu chuyện mang hơi thở của cuộc sống hiện hữu là sức hút của bảo tàng với công chúng. Đó cũng chính là một nhân tố quan trọng để bảo tàng phát triển bền vững. Nghiên cứu trưng bày về các khía cạnh khác nhau của sự phát triển bền vững trong đời sống đương đại chính là cách để bảo tàng phát triển bền vững.

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 kéo dài và diễn biến phức tạp hiện nay, hệ thống bảo tàng trên thế giới nói chung ở Việt Nam nói riêng phải tự làm mới để thích ứng và duy trì hoạt động. Trong đó, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh là một trong những đơn vị đi đầu cho hoạt động này với hình thức tham quan trực tuyến trên các nền tảng online. Tại hội thảo, TS. Trần Xuân Thảo, Giám đốc bảo tàng đã trình bày tham luận “Tham quan bảo tàng trực tuyến - một hướng đi mới cho du lịch thời Covid tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh” và đánh giá hiệu quả chương trình mang lại: Đáp ứng nhu cầu tham quan của du khách, giúp bảo tàng thực hiện nhiệm vụ truyền tải thông điệp hòa bình, quảng bá tới một lượng khách tiềm năng trong tương lai…

Trước đó, ngày 27 tháng 10 năm 2021 Bảo tàng tỉnh Gia Lai cũng đã tham gia Hội thảo trực tuyến trên nền tảng Zoom với chủ đề "Công nghệ số kết nối Bảo tàng với công chúng". Hội thảo do Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam phối hợp với Phòng thí nghiệm Tương tác Người máy - Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội, DPECH - nhóm hoạt động về bảo tồn và giáo dục di sản trên nền tảng số, Học viện Quốc tế Tài trợ Châu Âu (EGInA) và CRHACK LAB FOLIGNO 4D), Italy, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Tuổi trẻ Việt Nam, Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên, Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh, Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh, Bảo tàng Đà Nẵng. Với hai ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Anh, Hội thảo đã trao đổi 4 nội dung: Thuyết trình; Giới thiệu trưng bày online; Trình diễn nghệ thuật online; Giới thiệu hoạt động giáo dục, trải nghiệm. Hội thảo đã cập nhật thông tin, chia sẻ những hiệu quả thực tiễn mà công nghệ số mang lại đối với hoạt động bảo tồn và giáo dục di sản văn hóa tại các bảo tàng ở Việt Nam. Đồng thời là nơi để các bảo tàng, nhà nghiên cứu, các học giả... trong nước chia sẻ và trao đổi ý tưởng, kinh nghiệm thực tiễn việc ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực bảo tồn và di sản văn hóa./.

 

Tra cứu thông tin

Quy hoạch - Kế hoạch

Dự án đầu tư – Mua sắm công