CHŨM CHỌE TRONG ĐỜI SỐNG CÁC DÂN TỘC TÂY NGUYÊN

Ngày đăng: 26/10/2021, 14:14

CHŨM CHỌE TRONG ĐỜI SỐNG CÁC DÂN TỘC TÂY NGUYÊN

Xuân Toản

Cộng đồng các dân tộc tại chỗ vùng Trường Sơn Tây Nguyên nói chung, người Bahnar, Jrai ở Gia Lai nói riêng có đời sống âm nhạc hết sức phong phú và đa dạng. Đối với họ âm nhạc luôn là nguồn cảm hứng trong đời sống, hòa với tiếng suối reo vang vọng giữa núi rừng, âm nhạc được xem là tín hiệu số một và được biểu hiện bằng nhiều sắc thái trong cuộc sống hàng ngày cũng như trong các dịp lễ hội thông qua các loại nhạc cụ truyền thống.

Chũm chọe (cymbal), là do sự la tinh hóa tiếng Hy Lạp của từ κύμβαλον (kumbalon). Đây là loại nhạc cụ được nhiều dân tộc trong và ngoài nước sử dụng. Ở Việt Nam, loại nhạc cụ này được cộng đồng các dân tộc tại chỗ vùng Trường Sơn Tây Nguyên sử dụng khá phổ biến. Với người Bahnar, Jrai chũm chọe còn được gọi là Ha Kam hoặc Rang Rai, là loại nhạc cụ không thể thiếu trong các buổi sinh hoạt cồng chiêng.

Cũng giống như cồng chiêng, chũm chọe là loại nhạc cụ không phải do người Bahnar, Jrai tự chế tác ra mà chủ yếu được đưa từ nơi khác đến qua trao đổi, mua bán. Chũm chọe được làm bằng hợp kim đồng, thiếc gồm 2 chiếc đi cùng nhau, và có nhiều loại lớn nhỏ khác nhau. Chũm chọe có cấu tạo như cái vung, có phần núm để cầm, trên núm có khoan thủng 1 lỗ nhỏ ở chính giữa để luồn dây giúp người chơi dễ cầm nắm khi sử dụng. Trên bề mặt tiếp xúc có những chấm tròn đắp nổi hoặc dập âm bản từ mặt lung, tạo thành những đường tròn để khi đánh hai mặt của hai chũm chọe ma sát vào nhau tạo ra âm thanh. Ở giữa lồi lên như hình núm vú. Phần này vừa có tác dụng sinh âm vừa để cầm khi sử dụng.[1]

Khi tìm hiểu đặc điểm của các loại chũm chọe đang lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Gia Lai cũng như những kết quả thu thập được trong quá trình khảo sát, điền dã cho thấy, dựa vào kỹ thuật chế tác thì chũm chọe có hai loại. Một loại được chế tác bằng kỹ thuật đúc, âm thanh phát ra khi chơi chát, chắc hơn. Và một loại được tạo tác bằng kỹ thuật nguội như: rập, gò, tán… sau đó tu chỉnh, cắt gọt tạo hình hoàn thiện, loại này âm thanh tương đối thanh hơn so với loại đúc. Kích thước và trọng lượng của mỗi loại chũm chọe ảnh hưởng đến chất lượng âm thanh của nó phát ra. Kích thước và trọng lượng lớn thường có âm thanh to và kéo dài và độ vang xa hơn so với loại nhỏ và nhẹ hơn.

Chũm chọe được chế tác theo

 kỹ thuật gò, tán và dập âm bản

Chũm chọe được chế tác

theo kỹ thuật đúc khuôn

 

Về mặt âm thanh, chũm chọe là loại nhạc cụ tự thân vang, không định âm, người chơi bằng cách giữ chũm choẹ trong bàn tay rồi đập chúng vào nhau bằng một lực nhất định nào đó thì tạo ra âm thanh. Bản thân âm thanh phát ra từ chũm chọe sẽ không mang yếu tố âm nhạc khi nó đứng một mình. Do đó nó luôn được sử dụng kèm với cồng chiêng, lục lạc, trống… Chũm chọe được người chơi theo nhiều cách khác nhau: hai tay cầm hai núm dập hai mặt vào nhau, có lúc dập chéo xuống, chéo lên, hoặc chỉ là xoa chúng với nhau. Đôi khi người sử dụng chũm chọe vừa đánh, vừa nhảy múa. Sử dụng chũm chọe khá dễ đối với nhiều người, chỉ cần hiểu biết quy luật về nhịp điệu là có thể sử dụng được. Chũm chọe hầu như chỉ giành cho nam giới, già trẻ đều dùng được, chưa thấy nữ giới sử dụng loại nhạc cụ này.

Như đã nói ở trên, biên chế một bài chiêng trong lễ hội truyền thống thường gồm các loại nhạc cụ: cồng chiêng, trống, lục lạc, chũm chọe. Chũm chọe kết hợp với trống giữ vai trò điều chỉnh nhịp điệu làm bè nền cho bài chiêng. Khi chơi người ta bố trí từ 01 đến 02 người sử dụng chũm chọe, sự bố trí nhiều người chơi chũm chọe nhằm mục đích gia tăng nhịp điệu, làm cho cường độ âm thanh khỏe khoắn hơn.

Thiếu niên Jrai vừa chơi chũm chọe vừa nhảy múa

(Ảnh: TL Bảo tàng tỉnh Gia Lai)

Cùng với cồng chiêng, chũm chọe gắn liền với con người trong những bước đi quan trọng của đời người, từ khi ra đời đến lúc trưởng thành, lúc già, lúc cưới xin, khi đón khách, khi bỏ mã, lúc lên nhà mới… đều không thể thiếu những sinh hoạt lễ hội, trong đó có giai điệu của cồng chiêng, chũm chọe. Đó là phương tiện biểu hiện tâm hồn, tư tưởng, tình cảm của con người.

Trong thời đại hiện nay, khi công nghệ số đã và đang phát triển mạnh mẽ, âm nhạc hiện đại đang có xu hướng lấn át âm nhạc truyền thống. Từ đó, nhạc cụ truyền thống cũng dần dần được thay thế bằng các nhạc cụ hiện đại đã dẫn đến tình trạng mai một ngày càng cận kề. Do đó, việc tiếp tục nghiên cứu, sưu tầm để bảo tồn và phát huy âm nhạc dân gian nói chung, nhạc cụ truyền thống nói riêng, trong đó có chũm chọe là một trong những giải pháp cấp thiết. Bởi, âm nhạc dân gian với các loại nhạc cụ truyền thống không chỉ là nguồn sữa ngọt lành nuôi dưỡng con người mà còn là nhu cầu thể hiện lẽ sống của con người, giúp con người vững bước tiến lên phía trước./.

 

 

 

 

 

 



[1] Đào Huy Quyền (1993), Nhạc khí dân tộc ở Gia Lai, Nxb Giáo dục, tr.139.

Tra cứu thông tin

Quy hoạch - Kế hoạch

Dự án đầu tư – Mua sắm công