CỐI XAY LÚA - NÔNG CỤ MỘT THỜI VANG BÓNG

Ngày đăng: 28/09/2021, 10:49

CỐI XAY LÚA - NÔNG CỤ MỘT THỜI VANG BÓNG

Bài và ảnh: Huỳnh Bá Tính – Bảo tàng tỉnh Gia Lai

 

“Ai ơi bưng bát cơm đầy

Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần”

Sản xuất lúa nước từ lâu đã trở thành nghề truyền thống của người Việt. Từ khi khẩn hoang người ta đã biết sản xuất lúa làm lương thực để duy trì sự sống. Theo sử cũ ghi lại, vào cuối thế kỷ XVII, những lớp cư dân người Việt đầu tiên từ vùng đồng bằng duyên hải lên khai hoang, lập nghiệp vùng An Khê. Ở các làng người Việt ngày trước, hình ảnh con trâu cái cày, máy quạt thóc hay cối xay lúa… đã in sâu trong tâm trí của người nông dân nơi đây, bởi nó là vật dụng gắn bó mật thiết với đời sống và sinh hoạt hàng ngày thời đó, vì không có máy móc hiện đại như bây giờ. Dẫu vậy, dân gian vẫn truyền nhau rằng “đời sống con người hay vật dụng hằng ngày cũng chỉ có một thời kỳ mà thôi” vì quy luật tự nhiên của sự phát triển: cái mới, cái tiến bộ ắt sẽ dần thay thế cho cái cũ, cái lạc hậu. Hình ảnh những nông cụ một thời vang bóng ngày xưa cũng mất dần theo thời gian.

Để công tác sưu tầm, bảo tồn những giá trị truyền thống, làm cơ sở trưng bày thường xuyên. Năm 2016, Bảo tàng tỉnh Gia Lai chỉ đạo bộ phận nghiệp vụ đã lặn lội khắp vùng An Khê để sưu tầm những chiếc cối xay lúa với hi vọng mong manh sẽ còn sót lại ở một gia đình sinh sống lâu đời nào đó, tuy nhiên chúng đã không còn nữa.

Vì lẽ đó, chiếc cối xay lúa duy nhất hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Gia Lai được đặt chế tác từ một nghệ nhân đã ngoài 80 tuổi ở huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định, vào cuối năm 2016.

Cối xay lúa là nông cụ dùng để tách vỏ lúa tốt nhất vào những thập niên 50, 60 của thế kỷ trước, được làm từ những vật liệu có sẵn ở miền quê như tre, gỗ, bùn đất với cấu tạo gồm 3 phần chính:

Chân cối là một giá đỡ bằng gỗ, có 4 chân, mỗi chân cao 20 cm. Thanh đỡ yêu cầu khỏe bởi phải nâng toàn bộ phần thân cối khá nặng.

Thân cối gồm một số bộ phận chính sau:

Thớt dưới: có cấu tạo hình tròn, xung quanh vanh bằng nan tre đan kiểu nong mốt được trộn đất sét và phân trâu nhằm tăng độ kết dính lèn chặt vào trong, mặt trên của thớt dưới được cấy nhiều dăm gỗ (gọi là răng cối). Trong quá trình cối quay, thóc chảy xuống, răng thớt dưới và thớt trên cọ sát, làm tách vỏ trấu của hạt thóc. Chính giữa tâm thớt dưới được chôn một cột gỗ gọi là ngõng cối. Ngõng cối có tác dụng định vị thớt trên trong quá trình quay, giúp thớt trên cố định quỹ đạo quay.

Thớt trên: Mặt dưới của thớt trên cũng được chôn dăm làm răng như thớt dưới. Chính giữa mặt dưới thớt là một lỗ vuông được ke bốn phía bằng bốn thanh gỗ khớp mộng với nhau. Lỗ này gọi là họng cối. Nó vừa để cho ngõng cối của thớt dưới đâm lên,thớt trên có thanh tre xiên ngang, được đục lỗ để tạo sự định vị cho thớt, đồng thời, họng cối còn là nơi cho thóc chảy đều vào giữa qua đó giúp thóc trở thành gạo xay. Thanh ngang của thớt trên được kéo dài sang hai bên, mỗi bên 20cm gọi là tai cối, mỗi bên tai đều được đục một lỗ tròn để xỏ giằng cối, giúp truyền lực đẩy, kéo của con người vào thớt trên, từ đó cối quay được. Miệng thớt trên được khoét lõm hình phễu. Thóc được đổ vào đó chảy xuống họng cối. Mỗi khi vơi gần hết, người xay lại đổ tiếp vào cho đến khi hết.
 

Cối xay lúa đang lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Gia Lai

Áo cối (còn gọi là mông cối): được đan liền với thớt dưới, xòe ra như cái tán có chức năng hứng gạo lẫn trấu sau khi đã được xay.

Giằng cối là một thanh gỗ, dài khoảng 1,4m, đường kính khoảng 5cm. Một đầu giằng cối được nối với một cái móc bằng gỗ dùng xỏ vào tai cối để truyền lực, đầu kia là một thanh ngang tròn, bằng gỗ dài 33cm để người xay cầm tay vào đó đẩy cho cối quay. Phía tay cầm của giằng có buộc một sợi thừng treo lên xà nhà để cố định độ cao của giằng so với người xay.

Khi xay, người ta đổ thóc vào cối cho gần đầy cối sao cho khi xay - thóc không văng ra ngoài. Người xay cầm giằng cối quay ngược chiều kim đồng hồ cho thớt trên quay tròn trên thớt dưới quanh ngõng cối, tuyệt đối không được quay theo chiều kim đồng hồ. Người xay lúa cần phải có một lực mạnh nhất định để lúa mới được quay đều, không bị nát. Chính vì thế, công việc xay lúa thường được các ông bố, con trai lực lưỡng trong nhà đảm nhiệm. Song song với mỗi vòng quay đều đặn, nhịp nhàng ấy lại phát ra những tiếng kêu cút kít rất vui tai.

Để biết được chiếc cối xay lúa có tốt hay không, người ta dựa vào tỉ lệ hạt gạo và thóc cho ra. Cứ 10 hạt có khoảng 6 đến 7 hạt gạo trở lên, còn lại 3 đến 4 hạt thóc là cối tốt; còn nếu tỉ lệ thóc còn 5 hạt trở lên là chiếc cối chưa đạt chất lượng. Khi đó người dân phải tháo hai mặt thớt cối ra, điều chỉnh răng cối cho dày hoặc thưa hơn.

Với tỉ lệ thóc và gạo như vậy nên khi xay xong mẻ lúa thứ nhất, gạo sẽ được đem đi giê cho bay hết trấu, sau đó đem sàng, sảy để lựa thóc ra rồi đem số thóc đó đi xay lại cùng với mẻ thứ hai.

Ngày trước để làm được một chiếc cối rất công phu, phải vất vả mày mò, đo đạc, cưa, đục, đẽo, bào… và không phải ai cũng có thể làm được mà chỉ có một vài người lão làng làm cối. Mọi người thường phong cho các cụ là “nghệ nhân làm cối”. Vậy nên công việc của họ làm cối quanh năm, hết nhà này đến nhà khác. Và tiền công cũng chẳng đáng là bao, chủ yếu giúp đỡ mọi người là chính vì với người nông dân, việc bỏ ra thời gian, công sức không phải là điều đáng bận tâm bởi họ vốn có tính cách cần cù chăm chỉ, chịu thương, chịu khó. Điều quan trọng là sau những vất vả ấy, sẽ có được chiếc cối xay lúa tốt phục vụ cho nghề nông, bởi lẽ hạt lúa có trở thành gạo thì mọi người mới được ấm no, hạnh phúc.
 
 

Khách tham quan hào hứng trải nghiệm xay lúa bằng cối xay

tại khuôn viên Bảo tàng tỉnh Gia Lai

 

Chiếc cối xay lúa là nông cụ không thể thiếu của người nông thôn, nó liên quan đến việc chế biến lương thực hàng ngày của người dân xưa kia mà người “phát minh” ra nó không ai khác, đó là chính những người nông dân, chân lấm tay bùn. Chiếc cối xay lúa luôn gần gũi, gắn bó tình cảm của sự quây quần, sum vầy của người thôn quê ngày trước. Các động tác xay, giã, dừng, giê, giần, đồng bộ giống vũ điệu múa xòe, như thể múa quạt, múa nón vậy… và âm thanh “ù ì ù ì…” quyện vào tiếng giã gạo “cất cum, cất cùm…” tạo nên bản hoà tấu đồng quê làm ấm lên khung cảnh thanh bình nông thôn ngày mùa, thấp thoáng bên khói lam chiều của bao đời dưới mái tranh làng quê.

Cái cối xay còn là vật biểu thị sự khá giả hay khó khăn về kinh tế của từng gia chủ. Cối hoạt động đều dặn, thường xuyên là cối của những gia đình có đời sống sung túc, có của ăn của để. Cối mạng nhện chăng xung quanh áo cối là cối của những gia đình đời sống kinh tế khó khăn. Nghe tiếng xay lúa, ta cũng ít nhiều biết được tính cách, sức lực người xay. Tiếng quay đều là người biết điều tiết sức lực. Tiếng quay nhanh, gấp là người khỏe mạnh, xốc nổi, thích phô trương sức khỏe. Chả thế mà có câu: "Tao ra tay gạo xay ra cám" để chỉ những người thích tỏ vẻ ta đây. Tiếng xay lúc nhanh lúc chậm không đều, chỉ được một lát rồi ngừng là của người già và trẻ em.

Những năm sau này, công nghệ hiện đại đổi mới đã tạo ra máy xay lúa tiện lợi và nhanh chóng, Những chiếc máy xay lúa đã có mặt ở những vùng nông thôn sâu, chiếc cối xay lúa ngày nào lần lượt nằm im ở góc nhà nhường chỗ cho những nhà máy xay xát.

Không ai còn tìm thấy những chiếc cối xay lúa ở vùng nông thôn nữa. Bóng dáng người nông dân chân chất mộc mạc, lấm tấm mồ hôi bên chiếc cối xay lúa ngày nào giờ chỉ còn trong ký ức, ký ức một thời gian khổ mà yên bình của đại đa số người nông dân vùng quê ngày trước.

Tra cứu thông tin

Quy hoạch - Kế hoạch

Dự án đầu tư – Mua sắm công