250 năm - Âm vang hào khí Tây Sơn Thượng đạo

Ngày đăng: 19/02/2021, 08:02

Thế kỷ 18, nước Đại Việt vẫn có vua, nhưng đó chỉ là một vị trí tượng trưng, thay vì thực quyền. Ở phía Bắc, các chúa Trịnh tiếm quyền, chỉ còn để cho vua Lê được tự do loanh quanh trong kinh đô Thăng Long (Hà Nội). Tương tự, ở phía Nam, các chúa Nguyễn chiếm cứ thành Phú Xuân (Huế), không xưng vương nhưng kỳ thực đã là vua một cõi.
 
Gần nửa thế kỷ, dưới “ngọn cờ” phù Lê - thực chất là nhắm đoạt lấy quyền lãnh đạo cao nhất ở một quốc gia - các tập đoàn phong kiến này thường xuyên sát phạt lẫn nhau.Sức người, sức của vốn đã không nhiều lại luôn bị vét sạch để ném vào cuộc nội chiến dai dẳng, nhân dân đôi miền Nam, Bắc của nước ta những năm tháng ấy luôn sống trong cảnh đói khổ tận cùng và bất an triền miên.
 
Chống lại áp bức, bất công, giành quyền được sống cho mình và những người xung quanh, nhiều cuộc khởi nghĩa nông dân ở cả hai miền đã nổ ra. Khoảng giữa thế kỷ 18, những quận He, quận Hẻo, chàng Lía,… đã ít nhiều khuấy động giai đoạn lịch sử đau thương này. Đáng tiếc, tất cả những nỗ lực tuyệt vời ấy đều không thành công.
 
Cho đến cuối thế kỷ 18, giữa núi rừng An Khê xưa, những đốm lửa đầu tiên của một cuộc khởi nghĩa nông dân khác bắt đầu được nhen lên. Nhiều năm sau đó, từ mảnh đất Tây Sơn Thượng đạo này, những đoàn quân áo vải đã xuôi về Hạ đạo lập nên nhiều chiến công vang dội, mở đầu cho một kỷ nguyên mới của dân tộc.
 
Sử cũ chép không nhiều, thậm chí khác nhau, nênquanh nhà Tây Sơn vẫn còn những điều bí ẩn, cần tiếp tục tìm hiểu. Tuy thế, có một sự thật không thể khác: Vùng An Khê xưa (gồm cả An Khê, Đak Pơ, Kbang và Kông Chro ngày nay) chính là căn cứ địa buổi đầu của anh em Tam kiệt Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ, Nguyễn Huệ. Nơi đây, tình đoàn kết Kinh – Thượng đã được vun đắp; nơi đây những người yêu nước, trọng lẽ công bằng đã làm nên một cuộc khởi nghĩa thần thánh, đặt nền móng vững chắc cho những đổi thay tích cực của xã hội đương thời.
 
Giai đoạn 1771 – 1773 là một cột mốc đánh dấu bước trưởng thành của nghĩa quân Tây Sơn mà sử sách đã ghi nhận. Điều này mặc nhiên được hiểu rằng: Trước đó là quãng thời gian dò đường, tụ nghĩa, chuẩn bị lực lượng, lương thảo, vũ khí... Quan trọng hơn là quy thuận lòng người cho một đại cuộc mang tính lịch sử.
 
Chúng ta không biết dòng sông Côn đã chứng kiến bao lượt người ngược xuôi. Chúng ta không biết những lối mòn trong rừng đã nâng đỡ bước chân của tiền nhân như thế nào. Nhưng chắc chắn, để có được một căn cứ buổi đầu vững chãi cho cuộc khởi nghĩa, ông cha ta đã đổ nhiều mồ hôi và máu. An Khê, Đak Pơ, Kbang, Kông Chro hôm nay tự hào vì đã được lịch sử và người anh hùng Nguyễn Nhạc chọn làm điểm tựa. Những tên đất, tên người miền Tây Sơn Thượng đạo như An Khê trường, An Khê lũy, Miếu Xà, Gò Kho, Xóm Ké, Hòn Bình, Hòn Nhược, Kho tiền, Sa khổng lồ, Hồ bok Nhạc, Yă Đố, Vườn mít, Cánh đồng Cô Hầu, v.v. từ lâu đã đi vào sử sách và lòng dân nước Việt.
 
Năm tháng qua đi, các từ ngữ “thảo khấu/giặc cỏ” lạc lõng đã lùi vào quên lãng. Thay thế nó, từ khá lâu, các tài liệu chính thống đã khẳng định đây là một cuộc khởi nghĩa nông dân lớn nhất trong lịch sử Việt Nam. Cũng như vậy, Hoàng đế Quang Trung đã được giới khoa học nói chung, giáo sư Phan Huy Lê nói riêng mệnh danh là “nhà quân sự lỗi lạc”, “nhà chính trị có biệt tài”.
 
Hãy cùng nhìn lại bước trưởng thành và những dấu mốc chiến công không dễ gì lặp lại của nghĩa quân Tây Sơn, trong một thời gian không dài:
 
Đầu năm 1773, đánh chiếm phủ Quy Nhơn; cuối năm 1774, giải phóng Quảng Ngãi, Quảng Nam; đầu năm 1775, tạm hoà với quân Trịnh, tiến đánh chúa Nguyễn. Tháng 1-1785, dưới sự chỉ huy của Nguyễn Huệ, quân Tây Sơn đánh tan 5 vạn quân Xiêm trong trận Rạch Gầm - Xoài Mút lừnglẫy. Giữa năm 1786, Nguyễn Huệ raBắc đánh sập tập đoàn họ Trịnh; một năm sau, đoàn quân nàylại Bắctiến lần thứ hai đểtrừ khử Nguyễn Hữu Chỉnh, đồng thời thu phục các danh sĩ nhà Lê mà tên tuổi còn lưu truyền mãi đến mai sau, như: Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích, Nguyễn Thiếp, Nguyễn Huy Lượng…Cuối năm 1788, nhà Thanh sang cướpnước ta.Tết Kỷ Dậu (1789), Quang Trungcùng đại quân thần tốc có mặt tại Thăng Long, quét sạch 20 vạn quân xâm lược bằng chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa vĩ đại.
 
Như vậy, không thể nói khác, khởi đầu từ Tây Sơn Thượng đạo, cuộc khởi nghĩa của ba anh em nhà Tây Sơn đã từng bước sắp xếp lại trật tự xã hội, mang lợi quyền về cho người nghèo. Các vương triều cát cứ chia cắt đất nước: Vua Lê- chúa Trịnh ở đàng ngoài, chúa Nguyễn ở đàng trong từng khiến các tầng lớp nhân dân lầm than suốt hàng trăm năm đã bịphá bỏ. Nối tiếp chiến công, Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ, Nguyễn Huệ đã đánh đuổi quân Xiêm xâm lượcở miền Nam, đại phá quân Thanhngoài cõi Bắc,bảo vệ độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.
 
Kỷ niệm 250 năm khởi nghĩa nông dân Tây Sơn (1771 - 2021) cũng là dịp để chúng ta nhớ về một mùa Xuân vĩ đại trong lịch sử dân tộc. Ngày mùng 5 Tết Tân Sửu 2021 hôm qua chính là mốc thời gian tròn 232 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa. Chúng ta tưởng còn nghe Lời dụ tướng sỹnăm 1789của Hoàng đế Quang Trung khi tiến quân ra Bắc:
 
Đánh cho để dài tóc
Đánh cho để đen răng
Đánh cho nó chích luân bất phản
Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn
Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ.
 
Những lời căn dặn ấy vang vọng đến hôm nay, như một lời nhắn nhủ dành cho hậu thế về giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và nâng cao ý thức bảo vệ chủ quyền đất nước.
 
Thời gian có thể bào mònmọi thứ, nhưng trên vùng đất An Khê xưa cho đến tận hôm nay, các huyền tích, những dấu vết về buổi đầu tụ nghĩa của anh em nhà Tây Sơn vẫn còn hiển hiện hoặc tiềm tàng. Nhân dân có nhiều cách thể hiện lòng tự hào, yêu quý đối với những anh hùng nông dânkiệt xuất của mình. Hàng trăm năm qua, bất chấp các biến đổi của xã hội, lớp lớp vẫn người tiếp tục gìn giữ, phát huy những tài sản vô giá ấy.Thật may mắn, khi chúng ta đang được sống trên mảnh đất lịch sử chứa đựng nhiều trầm tích văn hóa, mà không phải nơi nào cũng có được ấy.
 
250 năm đã trôi qua, cùng ôn lại một trang sử oai hùng của dân tộc để cùng tự hào bước tới!
 
Nguyễn Quang Tuệ

Tra cứu thông tin

Quy hoạch - Kế hoạch

Dự án đầu tư – Mua sắm công