Nghệ nhân ưu tú Rơ Châm Hmút đa tài và tận tâm

Ngày đăng: 02/02/2021, 15:46

Tôi không nhớ mình đã quen Hmút khi nào, nhưng hẳn là phải tầm 25 năm trước. Ngày đó, mỗi lần về làng Mrông Yố, xã Ia Ka, huyện Chư Păh sưu tầm văn hóa dân gian, tôi đều đến nhà ông ở nhờ. Sinh năm 1957, Hmút là một người đàn ông Jrai lực lưỡng, đi nhanh, làm mọi thứ đều nhanh và chắc chắn. Vợ chồng Hmút cùng các con sống trong một căn nhà sàn không rộng rãi nhưng cũng đủ chừa cho tôi một chỗ để đêm đêm về nằm ngủ, sau khi đã đi lang thang khắp nơi hỏi han chuyện này việc khác.
 
Nghệ nhân ưu tú Rơ Châm Hmút đang đánh đàn goong và tập luyện cho đội văn nghệ của làng. Ảnh LNĐ
 
Hồi ấy, vì nhiều lý do khác nhau, công bằng mà nói, văn hóa truyền thống ở cơ sở chưa thực sự được quan tâm như bây giờ. Thế nhưng trong nhà Hmút những năm tháng đó luôn ngổn ngang các loại đàn do ông tự chế và cồng chiêng. Mấy cái tơrưng to nhỏ khác nhau đứng cạnh những đàn goong, kơní,… được làm trau chút, kèm theo rất nhiều hoa văn được chạm khắc trên thân tre nứa hay vỏ quả bầu. Đáng kể hơn là hai bộ cồng chiêng đen bóng xếp gọn trong rọ mây, cất nơi góc nhà. Hmút nói với tôi, đại ý: Khi rảnh rang, không đan gùi, mình thường làm đàn chơi cho vui, anh em bạn bè ghé nhà, ai thích thì tặng. Chiêng là của ông bà xưa để lại, mình giữ cho con cháu. Những người Jrai trong và ngoài làng đều quý Hmút, bởi ông chính là một trong những hạt nhân văn nghệ của cộng đồng, của xã, thậm chí của huyện và tỉnh trong các cuộc liên hoan suốt hàng chục năm liền. Mỗi khi tiếng trống dẫn đầu đoàn nghệ nhân nam nữ đầy uy dũng của Hmút cất lên, một không khí lễ hội tức khắc tràn ngập khắp xung quanh.

Bằng tài năng đặc biệt và sự đóng góp tận tâm của mình, Hmút đã gặt hái được rất nhiều giải thưởng, sự tôn vinh trong các cuộc thi, liên hoan văn nghệ dân gian. Ông góp mặt trong hàng chục chương trình liên hoan ở cấp quốc gia và khu vực. Có những năm, qua tivi, người ta thấy ông xuất hiện khắp cả ba miền Bắc, Trung, Nam…Nhiều khi, tôi nghĩ: Hmút chính là một phần linh hồn của cồng chiêng Jrai, văn hóa Jrai, văn hóa Tây Nguyên. Nhưng không chỉ dừng lại ở đó, ông còn là người đi truyền dạy không biết mệt mỏi những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình cho thế hệ trẻ. Hmút từng đến hầu hết các trường nội trú để dạy cồng chiêng theo yêu cầu. Cũng như vậy, khi được mời, ông trở thành người hướng dẫn nhiệt tình và gần gũi của nhiều đội cồng chiêng ở các huyện. Một thời gian khá dài, Hmút là cộng tác viên đắc lực của Trường Trung cấp Văn hóa - Nghệ thuật tỉnhtrong lĩnh vực truyền dạy kĩ thuật diễn xướng cồng chiêng.Có năm Nhạc viện Quốc gia Việt Nam đón ông ra Hà Nội để “giảng dạy” về cồng chiêng gần nửa tháng. Cống hiến không mệt mỏi, năm 2015, Rơ Châm Hmút được phong tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Nghệ nhân ưu tú”, đợt đầu tiên.
 
Đan lát giỏi, đàn hát hay, đam mê công việc, đẹp trai và dễ gần, Hmút còn là một trong số ít người nắm được kĩ thuật chỉnh chiêng. Đa tài như vậy nên từ khi còn trẻ, Hmút đã được nhiều người mến mộ, bao gồm cả những “bóng hồng”. Tôi đã chứng kiến hơn một lần vợ Hmút giận vì ghen. Đó là khi đoàn nghệ nhân của làng ông ra Hà Nội biểu diễn để làm hồ sơ di sản cồng chiêng trình UNESCO. Sau màn ra mắt hoàn hảo, hàng chục cô gái trẻ ăn mặc khá mát mẻ lao vào Hmúttrong trang phục khố áo rực rỡđề nghị được chụp hình chung. Hmút không từ chối. Thấy vậy, ngay lập tức, vợ ông sa sầm mặt mày. Sau chụp chung là chụp riêng. Chứng kiến cảnh nhiều cô gái bạo dạn hoặc ôm lấy bụng hoặc đặt tay lên đùi Hmút mà nhoẻn miệng cười tình tứ, người đàn bà Jrai từng là “hoa khôi” của làng vùng vằng bỏ đi… Đêm đó, tôi đã mất khá nhiều thời gian để giải thích cho người vợ rất mực đảm đảng nhưng có tinh thần bảo vệ “tài sản” của mình hơi quá mức cần thiết. Trong khi đó, Hmút không nói gì, chỉ mủm mỉm cười, vì ông đã quá quen với cảnh chụp hình hay xuất hiện trên báo chí, truyền hình cả nước.

Nghệ nhân ưu tú Rơ Châm Hmút nhận Giấy khen của Sở VHTTDL trên giường bệnh. Ảnh NQT

 
Có lẽ cũng cần nói thêm một điều rất thật là mấy năm gần đây, bệnh tật đã bắt đầu bủa vây Hmút. Thế nhưng chúngvẫn chưa thể quật ngã được người đàn ông đánh kính này. Hmút vẫn tiếp tục dạy đánh chiêng và tập đàn cho đám trẻ trong làng. Cho đến một ngày cuối năm 2020 vừa qua, những biểu hiện của một chứng bệnh nặngđã buộc ông phải dừng làm việc. Khi hay tin này, tôi đã báo cho bạn bè, những người thân quen ông. Mỗi người một tay, trong vài ba hôm, chúng tôi góp được gần 14 triệu đồng để phụ giúp gia đình Hmút chạy chữa cho ông.
 

Nghệ nhân ưu tú Rơ Châm Hmút và vợ nhận tiền do anh em bạn bè quen biết ông quyên góp. Ảnh QLDSVH
 
Buồn thay, khi tôi viết những dòng này, Hmút đã vĩnh viễn ra đi, sau khi trở về làng từ giường bệnh ở Bệnh viện Quy Nhơn rồi Bệnh viện 211. Ông mất ngày 18/1/2021, vì suy thận.
 
NQT
 
Box: Là người gắn bó với công tác âm nhạc gần 40 năm nay và cũng chừng ấy thời gian biết và chơi thân với NNƯT Rơ Châm Hmút, tôi thực sự trân trọng, cảm phục và quý mến anh. Trong vòng xoáy của cơ chế thị trường, anh vẫn giữ được những nét đẹp đáng quý của người Jrai. Anh là người thật thà, hiền lành, chất phác, gần gũi và sẵn sàng giúp đỡ mọi người một cách vô tư, không màng danh lợi. Anh am hiểu nhiều vốn âm nhạc dân gian và có ý thức bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của người Jrai, biết chế tác và sử dụng nhiều loại nhạc cụ. Anh từng lặn lội xuống tận Quảng Nam mua cồng chiêng, rồi chỉnh sửa lại âm thanh cho phù hợp với người Jrai...
(Nhạc sĩ Lê Xuân Hoan, nguyên Chủ tịch Hội VHNT Gia Lai)

Tra cứu thông tin

Quy hoạch - Kế hoạch

Dự án đầu tư – Mua sắm công