GIẢI PHÁP NÀO ĐỂ BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI SẢN KHẢO CỔ HỌC Ở GIA LAI HIỆN NAY

Ngày đăng: 24/03/2021, 10:22

GIẢI PHÁP NÀO ĐỂ BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ

DI SẢN KHẢO CỔ HỌC Ở GIA LAI HIỆN NAY

Bá Tính – Bảo tàng tỉnh

         

1. Thực trạng các di tích khảo cổ học tỉnh ta hiện nay

          Những phát hiện khảo cổ học ở Gia Lai được biết đến khá sớm, khoảng giữa thế kỷ XX. Cụ thể từ tháng 11-1953 đến tháng 6 - 1954, B.P. Lafont tiến hành điều tra dân tộc học ở vùng người Jrai để xây dựng từ điển Pháp – Bahnar, Pháp – Jrai, đã phát hiện các hiện vật bằng đá và gốm tiền sử ở tỉnh Pleiku. Những tư liệu này được công bố lần đầu vào năm 1956, B.P. Lafont cho biết về 4 địa điểm khảo cổ học mới phát hiện: Hồ Tơ Nưng (Biển Hồ) tìm thấy rìu đá; ở Plei Del tìm thấy mộ chum, rìu có chuôi tra cán; ở Plei Pleir tìm được rìu có vai; tại bờ suối Ia Puch (Bàu Cạn) đã thu thập được hơn 200 rìu, bôn đá, một số đồ gốm và một mộ chum.

          Đây là những phát hiện và nghiên cứu đầu tiên về khảo cổ học tiền sử Gia Lai. Từ sau năm 1975 đến nay, các nhà Khảo cổ học từ Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh cùng với cán bộ Bảo tàng tỉnh Gia Lai tiến hành nhiều cuộc điều tra, xác minh, phát hiện hàng chục di tích quan trọng như: di chỉ Biển Hồ; hệ thống các di chỉ đôi bờ Ia Mơ (Chư Prông); hệ thống di chỉ H’lang (Kông Chro)... Đặc biệt từ năm 2013 đến nay, việc phát hiện và khai quật các di tích sơ kỳ Đá cũ ở thung lũng An Khê không chỉ có ý nghĩa quan trọng cho việc nghiên cứu khảo cổ học tiền sử ở Gia Lai nói riêng, mà còn báo dẫn đây là địa bàn nghiên cứu hấp dẫn về nguồn gốc loài người và các nền văn minh sớm đầu tiên của nhân loại.

          Những phát hiện, khai quật và nghiên cứu khảo cổ học hơn 40 năm ấy đã dần hình thành diện mạo văn hóa khảo cổ học tiền sử Gia Lai, đó là:

- Cộng đồng cư dân Sơ kỳ đá cũ ở An Khê với đặc trưng là công cụ ghè hai mặt đã xác lập “Kỹ nghệ An Khê”, với đặc trưng riêng về di tích và di vật. Kỹ nghệ An Khê khác và cổ hơn các di tích hiện biết ở Việt Nam.

- Cư dân trung kỳ đá mới ở các di tích Làng Gà 4,5,6,7 (huyện Chư Prông) mang đặc trưng cơ bản của kỹ nghệ Hòa Bình đó là rìu bầu dục, rìu ngắn ...

- Tiếp theo là nhóm cư dân Hậu kỳ Đá mới xác lập Văn hóa tiền sử trên cao nguyên Pleiku - Văn hóa Biển Hồ.

Tuy nhiên, từ thực tế cho thấy rằng, mặc dù số lượng di tích được phát hiện rất nhiều; một số di tích được khai quật từ sớm ( Biển Hồ, Trà Dom năm 1993; di chỉ Thôn Bảy (Chư Prông năm 2002...)); có ý nghĩa lớn đối với việc nghiên cứu khảo cổ học tiền sử Tây Nguyên nói riêng và Việt Nam nói chung, nhưng đa phần di tích đều chưa được xếp hạng(trừ một số di tích Sơ kỳ Đá cũ An Khê). Mặt khác, các di tích đều có điểm chung là nằm trên đất sản xuất nông nghiệp của người dân. Quá trình đô thị hóa, các công trình xây dựng và đặc biệt là tình trạng “trang trại hóa”, nhất là những trang trại quy mô lớn đang ngày càng xâm hại di tích.Việc sử dụng máy móc cơ giới để canh tác ngày càng phổ biến đã phá vỡ, làm xáo trộn địa tầng, mất đi tính nguyên vẹn (insitu) của di tích. Một số di tích có địa tầng rất mỏng (các di tích làng H’lang, xã Yang Nam, huyện Kông Chro; di tích làng Gà 7, xã Ia Bòong, huyện Chư Prông...) do vậy mức độ xâm hại càng nặng nề hơn.

Bên cạnh đó, tồn tại thực trạng di tích đã khai quật nhưng mới dừng lại ở việc báo cáo kết quả thu được, chứ chưa đề xuất giải pháp cụ thể để bảo tồn và phát huy giá trị sau khai quật. Giải pháp bảo tồn trước mắt là lấp hố sau khai quật, tuy nhiên giải pháp này cũng đem đến tình trạng di tích dần bị lãng quên, dần bị lấn chiến và xâm hại, có nguy cơ bị xóa sổ và chỉ còn trên giấy như: di tích Biển Hồ, Trà Dom, Thôn Bảy, hệ thống các di tích Ia Mơr...

 
 
Ảnh: Di tích H’lang (xã Yang Nam, huyện Kông Chro) được khai quật năm 2018 với địa tầng rất mỏng, có nguy cơ bị xâm hại

 

Điểm đáng chú ý là hiện nay ở Gia Lai chưa có quy hoạch các điểm di tích khảo cổ học cụ thể. Điều này đã được quy định tại Điều 17, Nghị định 98/2010/NĐ-CP hướng dẫn Luật di sản Văn hóa và Luật Di sản Văn hóa sửa đổi.

Mặt khác, nguồn kinh phí của tỉnh cho công tác điều tra, khai quật khảo cổ học rất ít ỏi. Những phát hiện và khai quật  khảo cổ Sơ kỳ Đã cũ An Khê gây chấn động giới khảo cổ học trong nước và quốc tế trong các năm gần đây đều từ nguồn kinh phí của chương trình hợp tác quốc tế giữa Viện Khảo cổ học Và Viện Khảo cổ học – Dân tộc học Novosibirsk (Liên bang Nga).

Việc nghiên cứu khảo cổ học tiền sử Gia Lai trong những năm gần đây đã đạt được nhiều thành tựu đánh kể, trong đó việc nghiên cứu và bảo tồn các di tích sơ kỳ Đá cũ An Khê là một điểm sáng. Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể, vẫn còn nhiều bất cập, vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị di tích chưa tương xứng với tiềm năng hiện có.

          2. Một số giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di sản khảo cổ học

          Vậy giải pháp nào để khắc phục tình trạng trên và bảo tồn, và phát huy giá trị di sản tương xứng với tiềm năng mà nó mạng lại?

Thứ nhất, cần tiến hành xây dựng một quy hoạch cụ thể cho các điểm di tích khảo cổ học. Việc quy hoạch khảo cổ học được hiểu nôm na là hệ thống bản đồ xác định các di tích trên địa bàn kèm theo phương án bảo vệ hoặc thăm dò khai quật khi cần. Vấn đề này được quy định tại Điều 17, Nghị định 98/2010/NĐ-CP hướng dẫn Luật di sản Văn hóa và Luật Di sản Văn hóa sửa đổi, cụ thể như sau:

1. Đối tượng được đưa vào quy hoạch khảo cổ ở địa phương là các địa điểm khảo cổ trong lòng đất và dưới nước, là nơi đã phát hiện di tích, di vật hoặc có dấu hiệu là nơi lưu giữ di tích, di vật có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học.

2. Quy hoạch khảo cổ phải thể hiện được các nội dung sau:

a) Vị trí và tên gọi địa điểm khảo cổ;

b) Thông tin khoa học về các di tích, di vật được phát hiện tại địa điểm khảo cổ và căn cứ khoa học và dấu hiệu của sự tồn tại di tích, di vật tại địa điểm khảo cổ;

c) Ranh giới, diện tích địa điểm khảo cổ;

d) Kế hoạch thăm dò, khai quật địa điểm khảo cổ;

đ) Phương án bảo vệ và phát huy giá trị địa điểm khảo cổ;

e) Nguồn lực thực hiện quy hoạch.

3. Hồ sơ quy hoạch khảo cổ và trình tự, thủ tục lập, công bố quy hoạch khảo cổ thực hiện theo quy định của pháp luật về quy hoạch và quy định tại khoản 18 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa.

4. Căn cứ kết quả nghiên cứu, thăm dò, khai quật khảo cổ, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thường xuyên rà soát, đề xuất Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh điều chỉnh quy hoạch khảo cổ.

Việc điều chỉnh quy hoạch khảo cổ của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải được sự đồng ý bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
 
 

Ảnh: Khai quật di tích Gò Đá (phường An Bình, thị xã An Khê), năm 2016

 

Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa năm 2009 đã quy định các địa phương có trách nhiệm xây dựng quy hoạch khảo cổ, kèm theo phương án bảo vệ hoặc thăm dò khai quật khi cần. Khi đã xây dựng được quy hoạch khảo cổ với các nội dung cơ bản như số lượng và loại hình di tích, vị trí, phạm vi của di tích, mức độ quan trọng của di tích, tiềm năng nghiên cứu và phát huy giá trị của di tích, những nguy cơ tác động đến di tích… thì sẽ có cơ sở khoa học để xây dựng các dự án phát triển và thực hiện Luật Di sản văn hóa một cách đầy đủ và đúng luật. Đó sẽ là căn cứ quan trọng để cơ quan chức năng, tùy theo mức độ quan trọng, mà quyết định bảo tồn hay xóa sổ di chỉ, khi phải cân đối với mục tiêu phát triển.

Do đó, để tránh những sự mất mát văn hóa xảy ra như “việc đã rồi”, việc tiến hành xây dựng một quy hoạch khảo cổ học trên địa bàn tỉnh là điều rất cần thiết và đã cấp thiết. Quy hoạch khảo cổ học được làm đầy đủ và chi tiết thì công việc quy hoạch, xây dựng công trình mới sẽ được triển khai một cách chủ động, có kế hoạch trên cơ sở kết hợp giữa bảo tồn và phát triển một cách hài hòa. Khi đó chúng ta có thể đưa ra được những phương án tối ưu, để bảo đảm vẫn phát triển đô thị mạnh mẽ nhưng đồng thời cũng bảo tồn được tối đa các di sản, di tích, di vật.

          Thứ hai, song song với lập quy hoạch khảo cổ, việc xây dựng hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng di tích đối với những di tích đã khai quật cũng đặt ra cấp thiết; hồ sơ sẽ xác định rõ phạm vi khoanh vùng khu vực bảo vệ 1, khu vực bảo vệ 2. Khi được xếp hạng là di tích với phạm vi khoanh vùng bảo vệ cụ thể, ta mới có cơ sở pháp lý để bảo tồn tính nguyên vẹn của di tích tránh bị xâm hại.Sau khi được xếp hạng, còn cần sự quan tâm của các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương để tránh tình trạng tái xâm hại.

          Thứ ba, phát huy vai trò của người dân địa phương. Trong một thời gian dài, việc nghiên cứu khảo cổ học không đến được với đông đảo quần chúng nhân dân lao động, nếu có đến được cũng chỉ là những thông tin nhỏ lẻ, không đầy đủ, đôi khi còn trừu tượng, nặng về giả thuyết, xa lạ với nhân dân. Nguyên nhân chính là việc nghiên cứu khảo cổ học thiên về tính hàn lâm mà chưa đi liền với việc phổ biến kiến thức, nâng cao quan trí và dân trí, chưa gắn việc nghiên cứu với việc bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử văn hóa của di tích. Do vậy cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về giá trị di sản khảo cổ đến với người dân một cách ngắn gọn, dễ hiểu để người dân hiểu hơn về văn hóa truyền thống quý báu mà cha ông để lại thông qua các lớp học, các buổi tìm hiểu thực tế tại di tích, cùng tham gia khai quật khảo cổ học cũng có thể là bài học kinh nghiệm đối với việc nghiên cứu, bảo tồn các di tích. Đây là một hướng đi bền vững, bởi chỉ khi người dân hiểu về giá trị di tích thì họ mới chủ động tham gia vào việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản… Bảo vệ và phát huy giá trị của di tích là nền tảng, là nguồn động lực cho sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước, là quyền lợi và trách nhiệm của mỗi người và của cả cộng đồng.

          Thứ tư, Tiềm năng khảo cổ học Gia Lai là khá lớn, bởi phần lớn các di chỉ khảo cổ mới chỉ được phát hiện mà chưa được khai quật. Trong giai đoạn tới cần xây dựng một chiến lược nghiên cứu khoa học xã hội nhân văn cho Gia Lai, trong đó có khảo cổ học là hết sức bức thiết. Cần gắn việc nghiên cứu khảo cổ học với các ngành khoa học nhân văn, đặc biệt là dân tộc học, bởi nơi đây còn bảo lưu nhiều yếu tố văn hóa, ngôn ngữ, tộc người bản địa có thể khai thác, so sánh với tư liệu tiền sử vùng này, làm sâu sắc hơn các công trình nghiên cứu về Gia Lai.

Cần tổ chức nhiều hơn nữa các cuộc hội thảo, mời các nhà quản lý, các chuyên gia, các nhà khoa học trong nước và quốc tế để cùng thảo luận tìm ra giải pháp tốt nhất để vừa bảo tồn di tích một cách nguyên vẹn, vừa vẫn đảm bảo phát triển kinh tế xã hội.     

Thứ  năm, cần gắn kết di sản khảo cổ với các di sản văn hóa lịch sử, danh lam thắng cảnh, với chiến lược phát triển kinh tế xã hội và với chiến lược phát triển du lịch bền vững của mỗi vùng./.

Tra cứu thông tin

Quy hoạch - Kế hoạch

Dự án đầu tư – Mua sắm công