“Em vui hội trằng rằm cùng di sản quê hương” – học mà chơi và thêm yêu di sản quê hương…

Ngày đăng: 21/09/2016, 00:00

Với mong muốn tạo một sân chơi lành mạnh và ý nghĩa cho học sinh tiểu học, THCS trên địa bàn TP.Pleiku nhân dịp Tết Trung thu năm 2016, đồng thời giúp các em thêm yêu quý và có ý thức bảo tồn những di tích lịch sử, di sản văn hóa địa phương Gia Lai, nơi các em đang sinh sống và học tập. Bảo tàng tỉnh Gia Lai đã tổ chức chương trình “ Vui hội trăng rằm cùng di sản quê hương” vào đúng rằm Trung thu 15.8 âm lịch tại khuôn viên Bảo tàng tỉnh. Chương trình chia làm hai phần cụ thể: Phần 1 là cuộc thi “Em là thuyết minh viên”. Đây là cuộc “đọ sức” của 15 “thuyết minh viên nhí” đến từ 3 trường THCS: Nguyễn Huệ, Nguyễn Du, Phạm Hồng Thái. Mỗi trường đã chọn 5 em học sinh xuất sắc nhất có khả năng thuyết trình lưu loát, có kỹ năng xử lý tình huống tốt, đài từ chuẩn, tác phong tự tin để tham gia cuộc thi này. Với chủ đề“Em thuyết minh giới thiệu về di sản quê hương em”, BTC đã lựa chọn sẵn những câu hỏi có liên quan đến những di sản văn hóa, di tích lịch sử của tỉnh để các em lựa tìm hiểu lựa chọn, ví dụ như: Giới thiệu về các loại gùi và vai trò của nó trong đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số tại chỗ Jrai, Bahnar tỉnh Gia Lai; giới thiệu đôi nét về tỉnh Gia Lai với du khách tham quan; giới thiệu đôi nét về Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên; giới thiệu với du khách về Chiến thắng Đak Pơ...Từ 14h đến 16h300 lần lượt các thí sinh đã thể hiện phần thi của mình, kết thúc mỗi phần thi các em nhận được những câu phụ từ Ban giám khảo và các bạn học sinh dự khán của các trường, nhiều câu hỏi rất hóc búa , dí dỏm, sáng tạo đã được các em thử tài bạn mình như: vì sao lại gọi là gùi, vì sao gùi lại có chân, bạn hãy nói thêm về văn hóa của người Bahnar,cồng chiêng được dùng khi nào, bạn ấn tượng nhất điều gì về Biển Hồ... Mỗi em một lối thể hiện, một phong cách thuyết minh, một cách thu hút khán giả song đa số các em đều thể hiện được sự chuẩn bị kĩ càng cho bài thuyết minh của mình, biết chào hỏi khách tham quan, biết giới thiệu về bản thân, biết sử dụng công cụ hỗ trợ hợp lý, tư thế, ngôn ngữ phù hợp, giọng nói truyền cảm, tiêu biểu là các em Hoàng Nguyên, Mỹ Duyên, Đạt Vỹ (Trường Phạm Hồng Thái), Ni Ni, Hữu Kiên (Trường Nguyễn Huệ), Nhật Huy, Trung Nguyên, Thanh Trang (Trường Nguyễn Du). Kết thúc cuộc thi 5 vị giám khảo đã biểu quyết công nhận em Hoàng Nguyên trường THCS Phạm Hồng Thái thuyết minh về thắng cảnh Biển Hồ đạt giải Nhất. Nguyên có giọng nói truyền cảm, tác phong thuyết trình chuyên nghiệp, sáng tạo trong dẫn dắt nội dung khi vừa hỏi khán giả vừa hát ca khúc ca ngợi vẻ đẹp Biển Hồ của nhạc sĩ Nguyễn Cường.  BTC đã trao 1 giải nhất, 2 giải nhì, 3 giải 3, 5 giải KK và 2 giải phụ (thuyết minh viên thanh lịch nhất cho em Hữu Kiên trường Nguyễn Huệ, phong cách nhất cho em Thu Hường trường Phạm Hồng Thái), kèm theo các giải thưởng các thuyết minh viên được nhận một giấy chứng nhận của Bảo tàng tỉnh Gia Lai.
 

Bên cạnh phần thi “Em thuyết minh giới thiệu về di sản quê hương em”, BTC đã tổ chức Đố vui có thưởng và Trò chơi dân gian gồm: Trò chơi kéo co, nhảy bao bố tiếp sức, bịt mắt bắt dê, rước đèn theo trăng. Đây là phần chơi được các em háo hức chờ đón và xung phong tham gia nhiệt tình vì vừa vui nhộn vừa được nhận quà nếu cá nhân, hoặc đội mình thắng cuộc. Kết thúc các em vừa được xem múa lân vừa được vui phá cỗ cùng nhau trong rộn ràng âm nhạc, trống lân, tình thân mến giao lưu đoàn kết. Tại chương trình này BTC đã thay mặt Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh trao tặng giấy khen và tiền thưởng cho 3 trường vì đã có những đóng góp tích cực trong các hoạt động bảo vệ di sản văn hóa tỉnh Gia Lai.
 

 
Được biết, trước khi tổ chức chương trình này, khi BTC liên hệ với các trường trên địa bàn thành phố Pleiku, BGH các trường THCS Phạm Hồng Thái, Nguyễn Huệ, Nguyễn Du đã rất tích cực phối hợp và coi việc tổ chức cho các em tham gia vào hoạt động bảo tồn di sản văn hóa tỉnh Gia Lai là một việc làm quan trọng, cần khuyến khích, nhân rộng, BGH các trường lập tức cho triển khai lựa chọn các em học sinh  có cử chỉ và điệu bộ lịch thiệp, có chất giọng nhẹ nhàng, rõ ràng, truyền cảm có khả khăng thuyết trình, yêu thích môn học xã hội để tập luyện hướng dẫn các em tham gia thi. Bên cạnh đó, các trường còn cử 30-50 em học sinh của trường vừa tham gia biểu diễn văn nghệ chào mừng vừa tham gia cổ vũ cho đội mình trong chương trình này. Cô Tổng Phụ Trách trường Phạm Hồng Thái tâm sự: Các em đang rất háo hức, quyết tâm tập luyện để có giải mang về vui nhất là được đón một trung thu ý nghĩa lần đầu tiên do Bảo tàng tỉnh Gia Lai tổ chức.
 

 
Có thể thấy rằng, BTC đã chuẩn bị tốt nhất cơ sở vật chất và chương trình cho ngày hội của các em thiếu niên nhi đồng dịp rằm trung thu 2016 với mong muốn qua cuộc thi sẽ góp phần làm cho học sinh đến gần hơn với Bảo tàng, thêm yêu quý trân trọng lịch sử văn hóa địa phương Gia Lai, xem Bảo tàng là điểm đến gần gũi nhất với giờ học tập địa lý, lịch sử địa phương. Từ cuộc thi sẽ làm tiền đề để các năm tiếp theo hoạt động này trở thành hoạt động thường niên, phục vụ các em học sinh trên địa bàn thành phố Pleiku và các huyện lận cận,  thu hút đông đảo các em học sinh tham gia thi tài, thể hiện niềm yêu thích với lĩnh vực thuyết minh về di sản quê hương cũng như niềm đam mê với các trò chơi dân gian đang ngày càng mất dần trong cuộc sống hiện đại. Sân chơi này cũng tạo một môi trường vừa học vừa chơi thật lý tưởng cho các em học sinh rèn luyện các em kỹ năng ứng xử độc lập, xử lý tình huống tốt, rèn tính tự tin, duyên dáng, phong cách giao tiếp, thuyết trình chuyên nghiệp...

Hoàng Thanh Hương (Bảo tàng tỉnh)

Tra cứu thông tin

Quy hoạch - Kế hoạch

Dự án đầu tư – Mua sắm công