Thưởng ngoạn sông nước Ayun Hạ.

Ngày đăng: 14/09/2020, 10:11

Thưởng ngoạn sông nước Ayun Hạ.

 

          Công trình thuỷ lợi Ayun Hạ là hồ nước nhân tạo được hình thành khi dòng sông Ayun chặn lại vào đầu năm 1994. Đập chính và cửa cấp nước của hồ nằm trên địa bàn xã Chư A Thai huyện Phú   Thiện, cách thành phố Pleiku 70km về phía Tây, còn vùng ngập chính của hồ thuộc địa phận xã H’Bông huyện Chư Sê. Giờ đây Ayun Hạ còn là một thắng cảnh, là điểm đến hấp dẫn trong hành trình khai thác du lịch Phú Thiện.

 

 

 

Xuôi theo quốc lộ 25 xuống hết đèo Chư Sê rẽ trái vào khoảng 2 km là đến đập Ayun Hạ. Với diện tích mặt hồ rộng 37 km², dung tích 253 triệu m³ nước, công trình cung cấp nước cho 13.500 ha đất canh tác lúa 2 vụ của các huyện Phú Thiện, Ia Pa và thị xã Ayun Pa. Thời điểm đẹp nhất du ngoạn hồ Ayun Hạ là vào mùa khô Tây Nguyên từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau, lúc này nước hồ xanh trong soi bóng những hàng cây, trên các bãi ven đảo phủ đầy cuội sỏi, mặt nước hiền hòa, cá đầy hồ, mùa vụ cũng rộn ràng hơn hẳn. Mùa mưa đến, từ tháng 4 đến tháng 11 nước đục và cá cũng ít hơn nhiều, thời gian này những người đánh bắt tranh thủ về thăm gia đình hay tranh thủ đan thêm lưới để chuẩn bị cho vụ sau.

 

 

          Dịch vụ ca nô đưa du khách thưởng ngoạn phong cảnh ven hồ có giá giao động từ 600.000đ/chuyến cho khoảng 10 người luôn sẵn sàng phục vụ du khách khi có nhu cầu trải nghiệm. Ca nô xuất phát, hơi nước từ dòng sông quyện hòa màu xanh của cây cối mát lành xua tan hẳn cái hanh nắng của đất liền. Phía xa, từng đàn cò trắng bay về đậu trên những cành cây khô ven hồ. Dưới mạn thuyền, thi thoảng có tiếng cá quẫy đuôi giữa mênh mông sóng nước tạo nên khoảnh không gian sống động nhiều sắc màu giữa dòng Ayun hiền hòa. Sau vài giờ đồng hồ rong ruổi trên lòng hồ Ayun Hạ giữa mây trời, sông núi ấp ôm bóng cây rừng thật sự là một trải nghiệm tuyệt vời, thú vị làm phong phú thêm cho hành trình khám phá sông nước Gia Lai của du khách.

Thong dong trên hồ, áo phao là vật dụng không thể thiếu được bác lái tàu trang bị cho mỗi du khách trong chuyến bồng bềnh trên sông nước. Cứ vậy, xuôi theo dòng nước phản chiếu ánh mặt trời nghiêng chao, mặt hồ rộng mênh mông, trải dài tít tắp, ngắm nhìn sông nước hữu tình bên đôi bờ lồng lộng bóng cây rừng nguyên sinh giữa vẻ đẹp thiên nhiên thơ mộng. Xa xa chiếc thuyền độc mộc lững lỡ xuôi dòng tạo nét chấm phá thi vị giữa dòng sông hiền hòa. Bãi Cửa eo gió là điểm đến hấp dẫn, thi vị nhất trong chặng khám phá sông nước Ayun Hạ của du khách. Cùng lưu lại những khoảnh khắc đẹp, gửi tâm hồn về với bình yên núi sông để lòng nhẹ bẫng giữa nhân gian.

Đứng trên đập chính phóng tầm mắt về phía Bắc là hai dãy núi sừng sững ôm lấy dòng sông Ayun, dưới chân đập là nhà máy thủy điện Ayun Hạ và dòng nước trong xanh chảy theo kênh chính, uốn lượn theo những cánh đồng chạy dài xuống thị trấn Ayun Pa tạo nên bức tranh đồng quê tự nhiên, thanh bình và trù phú. Ayun Hạ còn được gọi là hồ trên núi. Hồ nằm giữa đôi bờ rừng nguyên sinh, uốn khúc theo thung lũng, giữa phong cảnh hữu tình của một vùng nước non xanh lồng lộng bóng mây trời.

 

 

 

Thú vị nhất trong hành trình lênh đênh trên hồ là khi ca nô cập bến vào các hòn đảo, nơi có những ngư dân sinh sống, đánh bắt nguồn thủy sản dồi dào mỗi ngày. Dừng chân khám phá tại đảo Đrim, hòn đảo được đặt tên theo dòng suối chảy dài bên cạnh. Cùng trò chuyện, tìm hiểu về cuộc sống của hơn 10 ngư dân đều đến từ Bình Định gắn cuộc sống của mình với con thuyền, bến nước ở hồ Ayun Hạ. Chú Nguyễn Đức Mỹ - ngư dân đến từ Bình Định là một trong những người có mặt đầu tiên ở đây khi hồ tách dòng bắt đầu được đưa vào khai thác từ năm 1996 chia sẻ: “Giữa cao nguyên nắng gió, người dân làng chài nơi đây đang có một cuộc sống khá đủ đầy nhờ vào nghề đánh bắt thủy sản. Trước kia dòng sông này có nhiều nhất là cá chép trắng tự nhiên không ai chăn thả nhưng thịt rất ngon và dai. Hiện nay đang là mùa nước đục nên cá trong hồ ít hơn hẳn, mọi người đang dự định về thăm gia đình”.

Khoảng 8h sáng hằng ngày các xã viên của Hợp tác xã đến thu mua cá mà ngư dân đánh bắt được tại Quần đảo đá, hòn đảo cách bến tàu khoảng 20 phút đi ca nô. Tận mắt xem người dân đánh bắt, tham quan làng chài và mua các loại cá đặc sản trên lòng hồ này như cá thác lác, cá rô, mè dinh, trắm, chép… luôn là điều hấp dẫn du khách nhất khi có dịp đến với vùng đất này. Chị Ngô Thị Nụ cùng chồng đánh bắt khu vực này hơn 3 nay cho biết: “Nơi này còn rất hoang sơ chưa có dịch vụ ăn uống phục vụ du khách, chủ yếu khách du ngoạn trên lòng hồ cập bến ghé vào thăm đảo cùng trò chuyện, tìm hiểu về đời sống ngư dân vì vậy các hoạt động chỉ dừng tại đó”.

Tàu quay trở về đất liền, nhìn lại về phía xa kia để thấy điểm đến thi vị này với môi trường sinh thái tự nhiên, đáp ứng nhu cầu thị hiếu của du khách rất thuận lợi thiết lập tour du lịch sinh thái trên hồ. Khai thác du lịch sinh thái hồ Ayun Hạ cùng nhiều công trình phụ trợ xung quanh là niềm trăn trở của địa phương và cả ngành du lịch tỉnh nhà.

Võ Thanh Thảo

 

 

Tra cứu thông tin

Quy hoạch - Kế hoạch

Dự án đầu tư – Mua sắm công