Sức sống phong trào văn nghệ quần chúng từ những năm đầu mới giải phóng tỉnh Gia Lai và hiện nay

Ngày đăng: 06/01/2017, 00:00

Trong những năm đầu mới giải phóng thống nhất đất nước, tỉnh Gia Lai Kon Tum cũ nay là Gia Lai còn gặp muôn vàn khó khăn. Nền kinh tế manh mún, nhỏ lẻ, lạc hậu chủ yếu dựa vào nền sản xuất nông nghiệp truyền thống là chính. Thời kỳ này, đối với lĩnh vực hoạt động VHTT đóng một vai trò hết sức quan trọng trong các phong trào vận động quần chúng nhân dân đi xây dựng vùng kinh tế mới, định canh định cư, xóa mù chữ, truy quét văn hóa đồi trụy và xóa bỏ các tập tục lạc hậu… Đặc biệt là dùng các loại hình hoạt động văn hóa văn nghệ để lồng ghép phục vụ công tác tuyên truyền chống lại các thế lực thù địch như tổ chức phản động Fulrô lưu vong; các tổ chức phản động phá hoại khác tìm cách chống lại chính quyền cách mạng còn non trẻ. Có thể nói hoạt động văn hóa văn nghệ quần chúng trong thời kỳ này rất sôi nổi và rộng khắp trên địa bàn tỉnh, nổi bật là ở các phường như Hoa Lư, Hội Thương, Hội Phú, Diên Hồng v.v.( thuộc thị xã Pleiku thời bấy giờ). Hầu hết các đội văn nghệ đều hình thành từ phong trào tự phát của quần chúng, bên cạnh đó là sự quan tâm giúp đở của các cấp chính quyền, mà trực tiếp là ở các xã, phường các nông, lâm trường, xí nghiệp, các lực lượng vũ trang. Điều đáng nói hơn cả là các hạt nhân văn nghệ ở cơ sở  rất nhiệt tình với phong trào, nếu không muốn nói là họ tham gia với một tinh thần hoàn toàn tự nguyện…
         Mặt khác, từ những phong trào văn nghệ quần chúng trên đây cũng góp phần không nhỏ đến việc phát hiện và cho đi đào tạo những cán bộ làm công tác văn hóa Thông tin sau này của tỉnh, cụ thể như một số đồng chí đã trưởng thành từ phong trào văn nghệ quần chúng ở các địa phương hiện nay đã nghỉ hưu hoặc còn công tác trong ngành VHTTDL có thể được kể đến như : Nguyễn Quang Tâm, Trương Đức Hà, Đoàn Mến, Trần Văn Nam (Đoàn Nghệ thuật Đam San); Đào Xuân Thành, Phan Trợ, Võ Thị Hằng, Ngô Thị Hồng Vân, A Xuân Né, Nguyễn Thị Lắm, Nguyễn Thị Lành v.v. ( Trung tâm VHĐADL). Trong số những anh chị em làm công tác văn hóa văn nghệ quần chúng thời bấy giờ có thể nói tuổi đời vẫn còn rất trẻ và chưa có gia đình, mỗi người đều có năng khiếu về một bộ môn nào đó trong lĩnh vực nghệ thuật. Chính vì lẽ đó ai cũng tỏ ra gắn bó, hăng say với phong tràoVHNTQC và mong muốn được đóng góp thật nhiều cho phong trào.
        Từ khi Nhà nước có chủ trương xóa bỏ bao cấp chuyển sang nền kinh tế thị trường với bao đổi thay, phong trào hoạt động văn hóa văn nghệ của tỉnh, về phương diện nào đó cũng gặp không ít khó khăn. Một số đội văn nghệ quần chúng thuộc các nông lâm trường, công ty, xí nghiệp không còn đủ điều kiện để duy trì hoạt động , vì thiếu nguồn kinh phí hoặc phải chuyển đổi sang cơ chế hạch toán kinh tế, rồi cổ phần hóa v.v. Trong tình hình như vậy, với chức năng là một đơn vị có nhiệm vụ tổ chức các hoạt động thuộc lĩnh vực văn hóa văn nghệ quần chúng, Trung tâm Văn hóa tỉnh Gia lai (nay là Trung tâm VHĐA&DL ) cũng đã xác định được vai trò vị trí của mình, đồng thời tích cực tham mưu, đề xuất với Ngành chủ quản nhiều giải pháp thích hợp nhằm từng bước củng cố và đẩy mạnh các hoạt động phong trào VHVN thông qua việc tổ chức  Hội thi, Hội diễn từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh và tham gia ở Trung ương trong những năm qua đã mang lại  nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Tiết mục múa hát của CNVC- LĐ Trung tâm VH,ĐADL Gia Lai tham gia Hội thi  
tiếng hát công nhân do Liên Đoàn LĐ tỉnh tổ chức. Ảnh: Phan Trợ
        
         Một số ban ngành khác như : Bưu điện tỉnh, Ngân hàng tỉnh, Công an tỉnh, Điện lực tỉnh, Liên đoàn lao động tỉnh, Tỉnh đoàn TNCSHCM… Đặc biệt là các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang đứng chân trên địa bàn tỉnh đã có bề dày thành tích trong phong trào hoạt động Văn hóa văn nghệ như: Binh đoàn 15, Quân đoàn III, BCH Quân sư tỉnh, Biên phòng tỉnh, trong những năm qua rất chú trọng đến phong trào hoạt động văn hóa văn nghệ, vì nó là nguồn cổ vũ, động viên cho các phong trào và hình thành những tư duy sáng tạo trong các hoạt động thực tiễn. Qua các lần liên hoan, hội diễn mỗi ngành đều phát huy được thế mạnh và đặc thù riêng của mình đồng thời cũng để lại những dấu ấn sâu sắc đối với người xem
        Để có được những thành quả trên là nhờ sự quan tâm tạo điều kiện của các cấp lãnh đạo và các ngành chức năng trong việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị chuyên dùng như hệ thống âm thanh, ánh sáng, nhạc cụ, đặc biệt là việc tuyển chọn được những người có năng khiếu thật sự để phục vụ công tác biểu diễn nghệ thuật, đồng thời tham gia trong các đội văn nghệ của cơ quan, đơn vị mình. Bên cạnh những mặt tích cực của hoạt động văn nghệ quần chúng đem lại, những người mang trong mình trọng trách đối với ngànhVHTT&DL hiện nay không khỏi có những suy tư, trăn trở, nhất là về cơ sở vật chất, các thiết chế văn hóa của tỉnh như nhà hát lớn, nhà văn hóa cấp tỉnh, rạp chiếu phim, nhà triển lãm v.v.. trong những năm qua chưa được quan tâm đầu tư xây dựng để xứng tầm với một đô thị loại 2 đảm bảo có đầy đủ các hạng mục, công trình Văn hóa đáp ứng các nhu cầu sinh hoạt và hưởng thụ văn hóa của nhân dân trên địa bàn tỉnh.
       Trong phần phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp giai đoạn 5 năm 2015 - 2020. Đối với lĩnh vực văn hóa xã hội, Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XV Đảng bộ tỉnh Gia lai đã nêu : “ Phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa thông tin, thể dục thể thao, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt nam…”
    Chúng ta tin tưởng rằng trong năm 2017 các hoạt động thuộc lĩnh vực văn nghệ quần chúng nói riêng cũng như các hoạt động của ngành VHTTDL  nói chung sẽ có những khởi sắc và đáp ứng các yêu cầu nhiệm mới hiện nay.                                                                              
Phan Trợ - Trung tâm VHĐADL Gia Lai

Tra cứu thông tin

Quy hoạch - Kế hoạch

Dự án đầu tư – Mua sắm công