Công tác gia đình trên địa bàn tỉnh GiaLai sau một năm nhìn lại

Ngày đăng: 25/03/2015, 00:00

 “Xây dựng nhân cách người Việt Nam từ giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình”  là chủ đề công tác gia đình năm 2014. Với ý nghĩa và tầm quan trọng đó, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai đã đưa công tác gia đình, phòng chống bạo lực gia đình vào Nghị quyết, chương trình, kế hoạch hoạt động năm 2014 nhằm thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về gia đình, phòng chống bạo lực gia đình, giúp cho cán bộ trên địa bàn tỉnh nắm cơ bản về vị trí, vai trò của công tác gia đình trong giai đoạn công nghiệp hoá, hiện đại hoá hiện nay, nâng cao hơn nữa vai trò tham mưu của mình, đưa các tiêu chí về các hoạt động có liên quan đến gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình trong việc gắn kết phong trào xây dựng đời sống văn hóa với xây dựng nông thôn mới, xây dựng nếp sống văn minh đô thị, góp phần thực hiện tốt Đề án “Tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam, giai đoạn 2010-2020”.       

Bác Hồ đã khẳng định: "Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình". Xã hội phát triển tạo điều kiện cho gia đình phát triển và ngược lại gia đình lành mạnh thì xã hội mới lành mạnh và phát triển chất lượng hơn vì vậy việc bảo vệ, củng cố và phát triển sự vững chắc của gia đình là nhân tố quan trọng để ổn định và phát triển xã hội.
Trong xã hội hiện đại, sự biến đổi của gia đình diễn ra một cách sâu sắc, quyết liệt, đồng thời cũng đặt ra nhiều vấn đề cần quan tâm giải quyết như sự bùng nổ dân số, chênh lệch về giới tính, mâu thuẫn thế hệ, sự lệch lạc trong lựa chọn đối tượng để tiến hành xây dựng gia đình (kết hôn cùng giới), những gia đình mô hình mới xuất hiện. Nhiều vấn đề gia đình cũng bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam, nhất là trong bối cảnh mới của đất nước, đặc biệt là do sự tác động của cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế không ít trường hợp có những thành viên gia đình động cơ, mục đích sống lệch lạc, nhiều gia đình không thích ứng được hoặc thích ứng không kịp với những biến đổi nhanh chóng xã hội, rơi vào khủng hoảng, thậm chí đổ vỡ.
Hiện nay, nhiều giá trị mới được tiếp thu, hình thành xuất hiện như phong trào đền ơn đáp nghĩa giúp đỡ các gia đình chính sách, phong trào từ thiện, nhân đạo giúp đỡ các gia đình gặp khó khăn do đau bệnh, thiên tai… đã huy động được sự đóng góp tích cực của toàn xã hội. Nhưng mặt khác nhiều giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam như hiếu nghĩa, thuỷ chung, sống có trách nhiệm, kính trên nhường dưới… đang dần dần mai một đi. Sự xung đột giữa các thế hệ về lối sống và việc chăm sóc, nuôi dạy trẻ em, nuôi dưỡng người cao tuổi, chưa được quan tâm đúng mức. Tệ nạn xã hội như ma tuý, cờ bạc, rượu chè bê tha, mại dâm và nạn dịch HIV/AIDS đang thâm nhập vào các gia đình. Tình trạng ly hôn, bạo hành gia đình gia tăng, chủ nghĩa cá nhân, thực dụng, hưởng thụ có xu hướng tăng lên. Việc thực hiện Luật Hôn nhân và gia đình còn nhiều thiếu sót và bất cập. Tình trạng ly hôn, ly thân, chung sống không kết hôn, quan hệ tình dục và nạo phá thai trước hôn nhân gia tăng đã để lại những hậu quả nghiêm trọng về nhiều mặt đối với bản thân, gia đình và xã hội.
Nguyên nhân của tình hình nói trên có phần do nhận thức của xã hội về vị trí, vai trò của gia đình và công tác gia đình, công tác quản lý nhà nước về gia đình chưa theo kịp sự phát triển của đất nước, những mặt tích cực của gia đình trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá chưa được phát huy. Nhiều vấn đề bức xúc về gia đình chưa được xử lý kịp thời. Công tác gia đình đang đặt ra những thách thức mới.
Từ “Chiến lược xây dựng gia đình văn hóa Việt Nam” của Đại hội VIII, đến Đại hội XI, Đảng ta đã có sự phát triển nhận thức mới về gia đình, đó là: No ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc là những điều kiện cơ bản, quan trọng để gia đình phát triển lành mạnh, bền vững. Việc thành lập cơ quan quản lý nhà nước về gia đình và việc lấy ngày 28/6 hàng năm là Ngày gia đình Việt Nam đã khẳng định vai trò của gia đình đối với xã hội và xã hội đối với gia đình trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 18/3/2013 của Chính phủ, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn nhanh chóng kiện toàn Ban chỉ đạo công tác gia đình do đồng chí Phó Chủ tịch phụ trách khối Văn hóa – Xã hội làm Trưởng ban, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch là cơ quan thường trực cùng với các Sở, ban, ngành khác như Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động tỉnh, Sở Giáo dục - Đào tạo, Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh… cùng tham gia thực hiện, góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của gia đình và công tác gia đình trong sự phát triển chung của toàn xã hội.
Bằng nhiều giải pháp cụ thể như chỉ đạo đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về xây dựng hạnh phúc gia đình, phòng chống bạo lực gia đình, ưu tiên cấp kinh phí cho các hình thức truyền thông trực tiếp đến hộ gia đình và tập trung vào đối tượng nam giới, hình thức sân khấu hóa; xây dựng các áp phích tuyên truyền về chủ đề công tác gia đình năm 2014 trên các trục đường chính, cơ quan, trường học, nơi công cộng, nơi đông dân cư; lồng ghép nội dung tuyên truyền về xây dựng đạo đức, lối sống trong gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình trong các buổi họp tổ nhân dân tự quản, câu lạc bộ, chi, tổ hội... của các đoàn thể cơ sở; tổ chức các chiến dịch truyền thông về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình vào các dịp 20/3 (Ngày Quốc tế hạnh phúc), 28/6 (Ngày Gia đình Việt Nam), 25/11 (Ngày Thế giới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ), lồng ghép các hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình, không có người sinh con thứ 3… vào các tiêu chí thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”  gắn với xây dựng “xã Nông thôn mới”. Đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước đặc biệt là quan tâm tuyên truyền các Luật Hôn nhân và gia đình; Luật Bình đẳng giới; Luật phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; Luật Người cao tuổi...
Hầu hết các cấp đều có Ban chỉ đạo công tác gia đình, đã chỉ đạo và thực hiện khá tốt việc bình xét gia đình văn hóa công khai, dân chủ, đảm bảo 3 tiêu chuẩn gia đình văn hoá. Các hoạt động liên quan đến công tác gia đình được phát động thường xuyên, hiệu quả như: đoàn kết tương trợ giúp nhau trong lao động, sản xuất, giúp nhau làm kinh tế gia đình hoặc lúc gặp khó khăn; tham gia các hoạt động đóng góp xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương, nhà Đại đoàn kết, chăm sóc người già neo đơn, người khuyết tật, gia đình thương binh liệt sĩ… Phong trào xây dựng gia đình văn hóa đã góp phần phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống gia đình; nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, nếp sống văn minh nơi công cộng; thực hiện tốt kế hoạch hóa gia đình, không sinh con thứ 3 trở lên để xây dựng gia đình hòa thuận, hạnh phúc và tiến bộ; xây dựng được 2.120 bản quy ước ở khu dân cư, trong đó có những quy định về thực hiện việc phòng chống tệ nạn ma túy, bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình…
Tuy nhiên, vẫn còn gặp nhiều khó khăn và thách thức mới, tư tưởng “trọng nam khinh nữ” vẫn còn là lực cản không nhỏ trong công tác gia đình nhưng con số 232.788 hộ gia đình đăng ký gia đình văn hóa năm 2014, cuối năm bình xét và công nhận 212.558 hộ gia đình (đạt tỉ lệ 95,31%) là cơ sở cho niềm tin rằng công tác xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và bền vững trên địa bàn tỉnh Gia Lai là luôn có sự chung tay của cả hệ thống chính trị và sự tích cực hưởng ứng của nhân dân, góp phần thực hiện thành công chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc thực hiện Chỉ thị 49-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa IX về “Xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”./.
  Thu Hiền - Phòng XDNSVHGĐ

Tra cứu thông tin

Quy hoạch - Kế hoạch

Dự án đầu tư – Mua sắm công