Độc đáo mô hình tiểu cảnh nghệ thuật

Ngày đăng: 06/01/2020, 14:03

Khi được tận mắt nhìn thấy những mô hình tiểu cảnh nghệ thuật với đủ hình tượng từ mái nhà rông đến tượng người giã gạo, xay lúa, cưa gỗ, câu cá, dệt vải… được tạo thành từ những ống trúc bạn thật sự khâm phục người nghệ nhân tài hoa với đôi bàn tay khéo léo để tạo nên những sản phẩm mỹ nghệ độc đáo như vậy. Tôi đang nói đến em Tĩu (22 tuổi) đến từ làng Bông, xã Hà Bầu, huyện Đak Đoa, một thanh niên trẻ nhưng rất tài hoa và sáng tạo.
 
Bén duyên với công việc làm mô hình tiểu cảnh mới hơn được một năm nhưng những sản phẩm mà Tĩu sáng tạo ra lại vô cùng tinh tế và ấn tượng. Điều đó lại càng không hề dễ dàng khi để tạo nên được những sản phẩm đó là những ngày tháng tự mày mò học hỏi, tìm hiểu mà không qua một người thầy nào. Tĩu chia sẻ: “Từ nhỏ đã theo cha là ông Cring (70 tuổi) lên rừng tìm chặt mây, vót tre về để đan lát, làm gùi… và trong những ngày gắn bó với núi rừng đó em đã nhìn thấy những cây tre, trúc cao vút, xanh rì, từ đó tình yêu dành cho những loại cây đặc trưng vùng cao Tây Nguyên như ăn vào máu thịt của em vậy”. Ban đầu chỉ là làm để thỏa thú đam mê, là chiếc xe đạp bé xinh từ trúc, là chuông gió treo trước nhà hay chiếc đèn ngủ độc đáo, con trâu đang ăn cỏ… qua thời gian, chí sáng tạo ngày một nhiều như thôi thúc Tĩu ngày càng tạo ra các mô hình độc đáo với độ khó và phức tạp hơn. 


Một trong những mô hình gây ấn tượng nhất với du khách mà Tĩu sáng tạo ra là sự kết hợp giữa những sinh hoạt đời thường gắn với cuộc sống của người dân là guồng nước được làm từ mắt ống trúc đang quay, bên cạnh là hình tượng người đang giã gạo, xay lúa, chặt cũi... vô cùng sống động và chân thực như đang vẽ nên một bức tranh về làng quê nơi người dân đang hăng say lao động. Điều đặc biệt là khi gắn động cơ máy bơm vào mô hình này sẽ chuyển động với guồng nước đang chảy xoay tròn, hình tượng người đều đang hoạt động, làm việc… và sự chuyển động này sẽ tạo ra âm thanh rất vui tai và thích thú. Tĩu cho biết những mô hình như thế này thường được khách đặt mua về trưng bày trong các quán cà phê, nhà hàng, đặc biệt tiểu cảnh sẽ đẹp hơn nhiều khi để trong những hòn non bộ có không gian được gắn máy bơm và luôn phát ra âm thanh róc rách của tiếng nước chảy, tiếng động sinh hoạt của đời thường.
 
Những cây trúc đẹp, đủ tiêu chuẩn để tạo nên sản phẩm thủ công mỹ nghệ phải là những cây từ 2 đến 3 năm tuổi trở lên, cây càng già thì càng thẳng và chắc. Muốn vậy phải vào tận rừng sâu, thung lũng mới có nên mất nhiều công sức mới tìm được. Về kích thước phải chọn ống to từ 2,5cm đến 3,5cm là vừa đẹp, nếu to quá sẽ khó làm còn thân trúc non thì không tròn, khi tạo hình dễ bị móp ống và bể khi khoan. Về giá thành của sản phẩm dao động từ 150.000 đến 200.000 loại nhỏ tầm 20cm, với sản phẩm tầm trung cỡ 45 đến 50cm giá từ 500.000 đồng, loại lớn hơn từ 65 đến 70cm có giá từ 800.000 đồng. Tùy vào kích thước và độ khó của mô hình sẽ định mức cho chất lượng sản phẩm tạo ra.
 
Đó là những mô hình Tĩu tự mày mò, nghiên cứu ra, nếu khách mua muốn những tạo hình khác Tĩu đều làm được theo yêu cầu, thậm chí còn đẹp hơn nên những sản phẩm của em rất được đón nhận, không chỉ trong mà còn cả ngoài tỉnh. Nhanh nhạy, cần cù và vô cùng chăm chỉ là những mỹ từ để hình dung về chàng trai còn rất trẻ người đồng bào dân tộc Jrai này. Không chỉ có đôi bàn tay tinh tế, tài hoa Tĩu còn chịu khó học hỏi thêm về công nghệ, tiếp cận mạng xã hội để quảng bá, giới thiệu sản phẩm của mình. Chính vì vậy những mô hình tiểu cảnh của em được nhiều người biết đến, có lúc người đặt hàng nhiều em không đủ thời gian để thực hiện bởi để tạo nên một mô hình hoàn chỉnh phải mất ít nhất từ 3 đến 5 ngày để hoàn thiện. Tuy không quá phức tạp, cầu kỳ nhưng mất nhiều thời gian và công sức từ cắt ống nứa, khoan lỗ, tạo hình tượng… sau khi hoàn thành xong các công đoạn bước cuối cùng là phủ một lớp sơn lót cứng lên để tránh mối, mọt, tiếp đó phun sơn màu cho đẹp và cuối cùng phủ một lớp sơn bóng tạo độ chắc, khỏe cho sản phẩm. Tĩu tạo Facebook “Cụ tre non” hay kênh youtube “lão tre TV”  để giới thiệu những tiểu phẩm nghệ thuật của mình đến đông đảo mọi người và qua công nghệ em cũng học hỏi thêm được rất nhiều điều, nhiều mô hình hay và mới lạ hơn qua đó ngày càng nâng cao tay nghề tạo nên những sản phẩm đặc sắc, ấn tượng hơn nữa.
 
Đến với những ống trúc từ niềm đam mê, sự yêu thích và từ đó muốn thổi hồn tạo nên những thanh âm sống động, gần gũi và đưa trúc đi vào đời thường, gắn bó với mọi người. Mong muốn của em là những mô hình tiểu cảnh này ngày càng được đón nhận, đến tận tay những người thật sự yêu thích các tác phẩm được tạo ra từ nguyên liệu giản dị, có từ bao đời nay. “Nếu có ai cùng chung sở thích, chí hướng muốn gắn bó với nghề này em sẽ vui mừng đón nhận và chia sẻ để ngày càng nhiều người hơn nữa từ đôi tay khéo léo sẽ tạo nên những tác phẩm đẹp, duyên dáng từ trúc, từ tre, qua đó tạo nên một nghề ý nghĩa nâng cao đời sống, góp phần làm đẹp thêm cho đời”. Tĩu chân thành chia sẻ.

Võ Thanh Thảo – Nhà hát CMNTH Đam San


Tra cứu thông tin

Quy hoạch - Kế hoạch

Dự án đầu tư – Mua sắm công