Bản sắc Gia Lai qua miền di sản văn hóa.

Ngày đăng: 01/12/2019, 14:16

Từ ngày 21 đến 26 tháng 11 năm 2019 tại Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam đã diễn ra “Ngày hội Di sản văn hóa, Du lịch Việt Nam 2019” với chủ đề “Di sản văn hóa, du lịch Việt Nam năm 2019”. Đây là hoạt động văn hóa chào mừng ngày Di sản văn hóa Việt Nam, qua đó tôn vinh và phát huy giá trị di sản văn hóa của các vùng miền. Ngày hội này là dịp để nhân dân các dân tộc trên cả nước có cơ hội giới thiệu, quảng bá các giá trị di sản văn hóa truyền thống, tiềm năng và sản phẩm du lịch đặc sắc của địa phương đến với đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước được tìm hiểu, khám phá thực tế nét đẹp, giá trị văn hóa đặc sắc của di sản văn hóa trên mọi miền đất nước.

  
Các sự kiện được tổ chức sôi nổi, phong phú trong suốt những ngày diễn ra lễ hội mang đến một không gian trải nghiệm đa dạng, nhiều màu sắc như: Triển lãm ảnh “Du lịch qua những miền di sản”, “Thiên nhiên Việt Nam”; Trưng bày ảnh “Di sản Việt Nam 2019”; Không gian trưng bày của các đơn vị tham gia với chủ đề “Di sản văn hóa trong quá trình phát triển du lịch”; Triển lãm “Di sản Văn hóa Du lịch nghề và làng nghề truyền thống Việt Nam”; Khu trưng bày “Nét văn hóa trà Việt và “Nghệ thuật Ẩm thực vùng miền”; Tọa đàm “Di sản Văn hóa nghề, làng nghề truyền thống hội nhập Quốc tế 2019”; các chương trình giao lưu, biểu diễn nghệ thuật… mang đến nhiều sự lựa chọn cho du khách tham quan, trải nghiệm. 
 
Cùng với các địa phương đến từ Cao Bằng, Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Đắk Lắk, Thanh Hóa, Hà Giang, thành phố Hồ Chí Minh… Gia Lai đến với ngày hội mang theo những giá trị văn hóa bản địa đặc trưng của địa phương giới thiệu đến đông đảo bạn bè khắp cả nước với tinh thần hội nhập, học hỏi và sẻ chia. 20 nghệ nhân tiêu biểu và lành nghề được tuyển chọn đến từ làng Choét, phường Thắng Lợi đã trình diễn và giới thiệu nét văn hóa đặc trưng nhất của đồng bào mình đến với du khách. Trong chuỗi các hoạt động của ngày hội các nghệ nhân Jrai là đánh chiêng, xoang, trình diễn hòa tấu nhạc cụ dân tộc, hát dân ca, hát giao duyên… lồng ghép trò chuyện với du khách về phong tục truyền thống của dân tộc mình, nguồn gốc, ý nghĩa các nghi lễ. Du khách có thể được giao lưu, hướng dẫn làm những món đồ lưu niệm như những chiếc gùi, khăn bé xinh, đơn giản cùng các nghệ nhân.

 
Các nghệ nhân cũng chọn phục dựng lễ “Báo hiếu công ơn sinh thành và dưỡng dục của cha mẹ” đây là tập quán có ý nghĩa trong đời sống dân làng từ thời cha ông, thể hiện tấm lòng của con cái khi trưởng thành muốn tạ ơn công lao to lớn của cha mẹ dù khó khan, vất vả cũng nuôi dưỡng, chăm sóc con khôn lớn nên người. Qua đây cũng truyền tải thông điệp truyền thống tốt đẹp này đến tất cả mọi người cùng gìn giữ và phát huy đến mãi muôn đời sau. Ông Nguyễn Ngọc Long – Phó giám đốc Nhà hát ca múa nhạc tổng hợp Đam San (Sở VH,TT&DL Gia Lai), Trưởng đoàn nghệ nhân thông tin: “Đây là sự kiện lớn, có ý nghĩa quan trọng, là cầu nối để các nghệ nhân, diễn viên, người dân gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao nhận thức trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Gia Lai với 2 cộng đồng người Bahnar và Jrai sinh sống lâu đời vẫn còn giữ được nét văn hóa từ ngàn xưa chắc chắn sẽ đem đến sự thích thú và mang lại sự trải nghiệm tuyệt vời cho du khách. Đây cũng là cơ hội để cộng đồng các dân tộc quảng bá hình ảnh đất và người Gia Lai đến mọi miền đất nước, tôn vinh các giá trị văn hóa vùng, góp phần đưa công chúng nhận thức sâu sắc di sản văn hóa”. Qua những hoạt động ý nghĩa đó sẽ tạo cơ hội cho công chúng tìm hiểu, khám phá về nét văn hóa bản địa đặc sắc của cộng đồng các dân tộc Gia Lai.

 
Không gian trưng bày của Gia Lai còn quảng bá giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của tỉnh như tiêu, măng, mật ong, hạt macca, hạt điều rang muối, cà phê, nấm linh chi, sâm đá… Một số mặt hàng lưu niệm cho du khách thưởng lãm như T’rưng, gùi, đàn Krong Pút, đàn Goong, chuông gió, mô hình nhà rông, bầu, cây nỏ, mặt nạ các loại, tù và, vòng đeo tay, thổ cẩm đồng bào dân tộc Jrai… cũng được trưng bày trong ngày hội. Nếu có nhu cầu, du khách sẽ được các nghệ nhân trực tiếp hướng dẫn cách chơi hay có thể mua về làm quà cho bạn bè như một kỷ niệm về miền đất cao nguyên nồng ấm, dung dị. Đặc biệt sẽ trưng bày một bộ ảnh cho du khách thưởng lãm về vẻ đẹp của danh thắng, di tích lịch sử văn hóa, không gian văn hóa cồng chiêng cho đến nét độc đáo của những sinh hoạt đời thường, hình ảnh khách du lịch khám phá, trải nghiệm, hòa mình vào cuộc sống của người dân bản địa tại các điểm đến, lễ hội, làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh… mang đến một không gian đa sắc màu về đất và người Gia Lai.

 
Bên cạnh những gam màu văn hóa đa dạng sẽ có những thông tin, ấn phẩm quảng bá du lịch Gia Lai phát cho du khách tham gia ngày hội gồm: Bản đồ du lịch, Cẩm nang du lịch Gia Lai, Bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch… sẽ cung cấp đầy đủ những điểm đến, các danh thắng là thế mạnh của du lịch Gia Lai vốn nhiều tiềm năng. Các nghệ nhân từ làng sẽ mang nền văn hóa ẩm thực địa phương đến phục vụ nhu cầu của thực khách với các món đặc trưng bản địa như: Bò một nắng, gà nướng, cơm lam, thịt bò nướng lụi, rượu cần… chắc chắn sẽ mang đến những ấn tượng khó quên về một cộng đồng người thân thiện, mến khách, về một vùng đất đỏ bazan hiền hòa. 
 
Một lần đến để được trải nghiệm những điều thi vị nhất từ những con người sinh ra từ làng, ở mọi miền đất nước hội tụ về đây làm nên “vườn hoa văn hóa” đa sắc màu mang đến những kỷ niệm đáng nhớ cho bất kỳ ai được dịp ghé thăm.

Võ Thanh Thảo

Tra cứu thông tin

Quy hoạch - Kế hoạch

Dự án đầu tư – Mua sắm công