Dân làng Jrai xã Chư Mố tổ chức lễ mừng lúa mới.

Ngày đăng: 12/06/2019, 15:16

Mừng lúa mới là một phong tục lâu đời của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh Gia Lai, có ý nghĩa tôn vinh hạt thóc của Yang ban cho dân làng và tập tục cúng các vị thần trời đất, các thần sông suối, thần núi, thần mưa, thần sấm, thần lúa… với mong ước mùa màng tươi tốt, bội thumang lại cuộc sống ấm no cho cộng đồng.
 
Thần lúa là một trong những vị thần được tôn thờ bởi tập tục trồng trọt, nương rẫy của bà con dân làng. Hàng năm sau khi thu hoạch, người ta tổ chức lễ mừng lúa mới vừa để tạ ơn thần, vừa để vui mừng cùng hưởng thành quả của một quá trình lao động nhọc nhằn, vất vả.Đây là lễ mang đậm tín ngưỡng vạn vật hữu linh, là bản sắc văn hóa độc đáo và cũng là một trong những lễ hội lớn hàng năm của hai tộc người Bahnar, Jrai.
 
Hôm nay người dân Jrai làng Apa Ama H’Lăk, xã Chư Mố tổ chức lễ mừng lúa mới tại nhà già làng Ksor Nai, ông cũng chính là thầy cúng trong buổi lễ ngày hôm đó. Từ sáng sớm bà con trong làng đã tụ tập đông đủ trước nhà già làng để chuẩn bị lễ vật cho buổi lễ. Phụ nữ sáng sớm ra rừng hái lá dầu (Tơpang, konong), đi chặt củi, giã gạo, lo bếp núc, nấu nướng. Đàn ông lo nước, độn lá rượu cần, chuẩn bị heo, gà để giết thịt,….Cột ghè rượu đã buộc chặt và độn lá, đổ nước, thịt heo đã bày ở sàn nhà. Chiêng sar đã treo trên xà, thầy cúng trong bộ lễ phục chỉnh tề, tất cả đợi đúng giờ sẽ tiến hành chính thức buổi lễ.
 
Trình tự lễ theo thứ tự gồm 3 nghi thức:Giữ hồn lúa tại rẫy; đưa hồn lúa về chòi; nhập hồn lúa vào bồ trong đó bao gồm lễ ăn cơm mới. Địa điểm diễn ra lễ là từ nương rẫy – kho lúa – hộ gia đình – làng.Nghi thức giữ hồn lúa tại rẫy được diễn ra trước một ngày lễ chính thức tại rẫy của gia đình, tại đây lễ vật gồm gà và một ghè rượu, các vật dụng thường ngày được ví như linh hồn của người dân trong lao động sản xuất như rìu, liềm, cậy chọc lỗ lúa, ống bỏ lúa, nong, gùi… được sử dụng trong quá trình cúng, thời gian được diễn ra vào buổi sáng sớm.

 
Thầy cúng đang thực hiện nghi thức đưa hồn lúa lên chòi.

Đưa hồn lúa về chòi là nghi thức được diễn ra vào buổi trưa vắng người, cũng bởi theo tục lệ, trên đường đưa hồn lúa về chòi, gia chủ không được nói chuyện với ai vì sợ hồn lúa nhà mình sẽ đi theo người đó. Sau khi đưa hồn lúa lên chòi mới được trò chuyện bình thường. Quan niệm, hành động đem lúa về kho như một cách “thu hồn lúa về kho và kho chứa lúa là nơi trú ngụ của hồn lúa”… Lễ cúng đưa hồn lúa về kho diễn ra tại ruộng rẫy chính có nghĩa là gia chủ chọn đất sản xuất lúa làm nơi thờ cúng.Đám ấy được giữ lại nguyên cây và bông lúa được bảo vệ kỹ. Gia chủ và người thân trong gia đình mang một ghè rượu, một con gà, uống rượu cần, chén sứ và các đồ dùng để dựng nước,… cùng với thầy cúng trong trang phục truyền thống lên rẫy để cúng đưa hồn lúa về. Trước khi đọc lời cúng, gia chủ cắt bông lúa đặt vào rổ để trước ghè cùng với con gà đã mổ làm sạch lông và đặt trên lá chuối. Thầy cúng vẫy bằng tay 03 lần hồn lúa và bắt đầu đọc bài khấn.
 
Tiếp sau đó là nghi lễ nhập hồn lúa vào bồ trong đó bao gồm lễ ăn cơm mới diễn ra tại chòi lúa của gia đình.Thầy cúng trong bộ lễ phục chỉnh tề bước ra cắm vít cần vào ghè, tay cầm chén đồng đổ nước vào ghè rồi hút rượu cần vào một cái bát hòa với tiết heo, trân trọng mời nữ chủ nhân ngồi trước mâm nhận lễ. Tiếng chiêng với nhịp điệu trầm hùng, vừa náo nức nổi lên. Thầy cúng đọc lời khấn tỏ lòng biết ơn Yang.Phần lễ này kết hợp cả cúng tổ tiên 01ghè rượu và một con gà, cúng thần nhà 01 ghè rượu, 01 con gà.
 
Già làng Ksor Nai, cũng là thầy cúng buổi lễ cho biết: “Việc tổ chức lễ ăn mừng lớn hay nhỏ tùy thuộc vào khả năng thu hoạch nhiều hay ít của từng gia đình, và tùy theo điều kiện của gia chủ có vật hiến sinh mà thời gian có thể kéo dài một hay nhiều ngày. Đây cũng là dịp gia chủ mời bà con, họ hàng, bạn bè các làng lân cận cùng vui chơi ăn uống. Nhà nào đông khách coi như là niềm vinh dự. Vì thế, ngoài việc cúng thần, hồn lúa và tổ tiên cùng với việc cầu mong sức khỏe cho gia đình, người ta đánh cồng chiêng, vui chơi, ca hát suốt nhiều ngày đêm liền để vui mừng cùng hưởng thành quả của một quá trình lao động nhọc nhằn, vất vả”.
 
 
 Mọi người xoang, đánh cồng chiêng sau khi kết thúc nghi lễ mừng lúa mới quanh chòi lúa.
 
Sau khi tiến hành xong các nghi lễ là bước vào buổi tiệc vui, gia chủ mời mọi người ăn uống no say, tự nhiên, thoải mái.Người nữ chủ nhà được mời uống cần đầu tiêntheo phong tục mẫu hệ của đồng bà dân tộc thểu số. Sau đó chủ nhà mời thầy cúng và rót rượu vào bầu để mời các chị phụ nữ. Cánh đàn ông thì mời lên cầm vít và rót vào bình chia cho bà con, khách được mời cùng thưởng rượu cúng. Mọi người vừa ăn uống, vừa vui chơi ca hát và tự giác ra về khi thấy mình đã mệt. Tiếng cồng chiêng, nhảy xoang tiếp tục vang lên không dứt cho đến đêm khuya.Du khách khi đến thăm làng nếu một lần được hòa mình trải nghiệm vào lễ hội bản địa, được thưởng thức rượu cần cùng xiêng thịt nướng thơm nồng, cùng bà con vui trẩy hội sẽ có những phút giây mãi không quên.
 
Ông Ksor Jú – Chủ tịch UBND xã Chư Mố cho biết: “Dân làng xưa nay vẫn còn duy trì lễ hội mừng lúa mới này như là một tập tục từ cha ông để lại, thế nhưng với sự phát triển của xã hội, dân làng ngày càng thưa dần những lễ hội truyền thống, bởi điều kiện kinh tế và những thầy cúng cũng dần già yếu và mất đi. Hy vọng rằng, bên cạnh sự gìn giữ của bà con, chính quyền sẽ tạo điều kiện hỗ trợ, động viên để những lễ hội truyền thống mãi được lưu giữ, truyền đời cho thế hệ mai sau”.
 
Lễ mừng lúa mới là một trong những phong tục nhằm gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống từ ngàn xưa cha ông ta để lại. Giá trị mà lễ mừng lúa mới cùng nhiều lễ hội truyền thống khác của cộng đồng dân cư bản địa trên địa bàn tỉnh cần được bảo tồn để trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo trong hành trình trải nghiệm những bản làng vốn mang nhiều điều thú vị cho người lữ khách phương xa.
 
Võ Thanh Thảo

Tra cứu thông tin

Quy hoạch - Kế hoạch

Dự án đầu tư – Mua sắm công