Gia Lai gìn giữ nghề làm bánh phở truyền thống.

Ngày đăng: 29/07/2019, 13:32

Bên cạnh nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng mang đậm bản sắc văn hóa bản địa, Gia Lai còn hấp dẫn du khách bởi nền ẩm thực địa phương với những đặc trưng rất riêng. Trong đó Phở khô hay còn gọi là phở hai tô là một món ăn không thể thiếu trong ẩm thực của người dân phố núi. Những cơ sở sản xuất bánh phở trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã cho ra những sợi phở dai, ngon tạo ra món ăn tinh túy mang thương hiệu của tỉnh nhà.



Có thể nói gia đình ông Hầu Khải Tắc nằm trên đường Bà Triệu, thành phố Pleiku là cơ sở sản xuất bánh phở đầu tiên và lâu đời nhất ở Gia Lai, từ trước những  năm 1975. Cả ba thế hệ trong gia đình đều theo đuổi nghề truyền thống ông cha để lại và ngày càng phát triển, mang thương hiệu đi xa khắp các tỉnh thành trên cả nước. Ông năm nay đã gần 60 tuổi, con trai ông và vợ hiện đang theo nghiệp cha cũng như ông ngày trước đã theo cha mình là ông Hầu Tắc Cái học tráng bánh, kéo sợi phở. Trên cả tỉnh cả hơn 10 cơ sở làm bánh phở từ cũ đến mới kinh doanh, riêng gia đình ông đã có 5 cơ sở làm bánh gia truyền từ xưa đến nay và ngày càng mở rộng, đầu tư máy móc nhằm tăng năng suất và chất lượng bánh phở.

Ngày trước, khi chưa có máy móc tất cả các công đoạn làm bánh phở đều làm thủ công nên mất nhiều thời gian và công sức, từ công đoạn vo gạo, xay bột, tráng bánh, phơi khô rồi cắt đoạn nhỏ, kéo thành sợi… Nếu khách có nhu cầu cất trữ lâu thì phải cuộn thành bánh phở tròn nhỏ, phơi nhiều nắng thật khô mới có thể đáp ứng nhu cầu gửi đi xa. Ông Hầu Khải Tắc cho biết: “Trước kia khi chưa có máy sấy cực nhất là những ngày mưa bởi không phơi được phở, bánh sẽ bị mềm, bảo quản không tốt dễ bị mốc, hư hỏng. Hiện nay, do nhu cầu tiêu thụ ngày càng cao, cùng sự hỗ trợ của máy nên tiến độ làm ra sản phẩm nhanh hơn mang lại nguồn thu nhập ổn định, góp phần duy trì một nghề truyền thống mang nhiều giá trị cả về vật chất và tinh thần”.

Gia đình ông chỉ mua gạo loại một để làm bánh và luôn thực hiện đúng kỹ thuật khi chế biến đảm bảo về chất lượng và vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường. “Bánh phở được làm hoàn toàn từ gạo, vậy nên để có bánh phở ngon, trước hết phải có gạo ngon, là loại gạo được chọn mua từ vùng đất Phú Bổn, Bình Định...  phù hợp cho cho ra chất lượng bánh phở đúng yêu cầu” Ông Hầu Khải Tắc khẳng định như vậy. Ông cho biết công đoạn làm sợi phở bắt đầu từ khi ngâm gạo khoảng 8 tiếng mới đem xay lấy bột, sau đó đưa vào máy tráng bánh, cắt khúc đoạn khoảng 7cm rồi kéo sợi, tất cả đều qua máy nên cho ra sản phẩm đẹp mắt hơn. Để tạo độ dẻo, dai cho sợi phở ông luôn có bí quyết trong khâu pha bột, cũng là khâu quan trọng nhất trong các công đoạn và đặc biệt là không sử dụng bất cứ loại phụ gia nào ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. 

Nhờ sản phẩm có chất lượng tốt và giá cả hợp lý nên các chủ quán đến đặt hàng của gia đình ông ngày càng nhiều, đa phần là các quán lớn có thương hiệu lâu năm được thực khách tin dùng như phở khô Hồng, Ngọc Sơn, Tàu Lý.... Trung bình mỗi ngày cơ sở ông Hầu Khải Tắc sản xuất khoảng 400kg bánh phở. Thị trường tiêu thụ bánh phở được mở rộng ra nhiều tỉnh thành trên cả nước mang thương hiệu “Phở 2 tô” Gia Lai, ngoài ra còn xuất sang cho đồng bào người Việt định cư ở nước ngoài. Thưởng thức một miếng phở khô mà đầy đủ cả vị dai ngọt của sợi phở, vị ngọt thơm đậm đà của tương, vị giòn giòn của giá, gắp thêm miếng thịt bò chín vừa, thêm nước lèo ngọt thanh... Lúc ấy, bạn sẽ biết vì sao Phở khô Gia Lai được Tổ chức kỷ lục châu Á chính thức công nhận và xác lập theo bộ tiêu chí  “Giá trị ẩm thực châu Á” cùng với 12 món ăn đặc sản khác của Việt Nam. Nếu được một lần đến tận mắt nhìn thấy công đoạn làm ra sợi phở trắng đục, ngon dai hay trực tiếp tham gia khuấy bột, tráng bánh chắc chắn sẽ mang lại trải nghiệm khó quên cho người lữ khách phương xa khi đến với miền đất cao nguyên xinh đẹp này.

Hiện nay phở khô không chỉ là món ăn dành riêng cho người dân trong tỉnh mà đã được lan tỏa khắp nơi như một cách giới thiệu sản phẩm văn hóa ẩm thực đặc sắc của người dân bản địa, một phần hồn của đất và người Gia Lai.

Thảo Chi

Tra cứu thông tin

Quy hoạch - Kế hoạch

Dự án đầu tư – Mua sắm công