Nét đẹp nghề truyền thống.

Ngày đăng: 01/07/2019, 20:41

Hình ảnh người đồng bào dân tộc bản địa trên địa bàn tỉnh Gia Lai hằng ngày chăm chỉ, say sưa bên khung cửi, biếu tấu với sợi chỉ màu hay tỉ mỉ cùng tre, nứa để tạo ra những loại nhạc cụ dân tộc trầm bổng vang xa luôn là bức tranh tuyệt đẹp lấy lòng du khách khi có dịp đến thăm làng. Bên cạnh là nghề nuôi sống gia đình, đó còn là hình thức gìn giữ, phát huy những loại nghề truyền thống ông cha đã để lại vốn là bản sắc của cộng đồng. 
 
Có thể kể đến một số nghề truyền thống vốn là thương hiệu của cộng đồng các dân tộc thiểu số Tây Nguyên nói chung và dân tộc Bahnar, Jrai sinh sống trên địa bàn tỉnh Gia Lai nói riêng như đan lát, tạc tượng gỗ, dệt thổ cẩm, làm nhạc cụ dân tộc… người dân ngoài những lúc lên nương sản xuất, thời gian nhàn rỗi sẽ cùng nhau dệt khố, đan gùi, chế tác nhạc cụ hay vui vầy sinh hoạt cộng đồng bên mái nhà rông.
 
 
 
Đến với làng MRông Yố 2, xã Ia Ka, huyện Chư Păh hỏi thăm nghệ nhân Rơ Châm H’Mút hầu như ai cũng biết và kể với niềm tự hào, bởi đó là người nghệ nhân đa tài, người con ưu tú của làng. Ngoài chơi, chỉnh chiêng và thường xuyên truyền dạy lại cho thế hệ sau này, ông còn dành tình yêu cho các loại tre, nứa, lồ ô… và từ những chất liệu này đã tạo nên nhiều loại nhạc cụ góp phần tạo nên thương hiệu cho bản sắc Tây Nguyên nói chung và cộng đồng dân tộc Jrai nói riêng. Nghệ nhân Rơ Châm H’Mút hầu như am tường từ cách làm, âm thanh cho đến nhạc điệu từ đàn T’rưng cho đến đàn Goong, đàn bầu, Krông put, đàn Kơ ní… Với khả năng cảm thụ âm nhạc trời phú, ông chơi thành thục nhiều bài nhạc cổ, bài dân ca truyền thống cho đến những tác phẩm do ông tự sáng tác từ niềm cảm hứng và tình yêu bất tận với âm nhạc dân tộc.
 
 
 
Hình ảnh chiếc cối gỗ là một trong những vật dụng thân thuộc trong đời sống của người dân bản địa Tây Nguyên. Theo nếp sống ngàn xưa từ hạt gạo, bắp, lá mì, lá đu đủ đến những trái ớt, hạt tiêu... đều được giã qua miệng cối. Chính vì thế mà chiếc cối, âm thanh tiếng chày nhịp nhàng là những gì thân thương gắn với cuộc sống của mỗi người dân sinh ra và lớn lên từ làng. Từ những khối gỗ tròn dân làng Breng, xã Ia Pết huyện Đak Đoa với sự cẩn thận và thạo nghề của mình đã tạo nên những chiếc cối gỗ vừa phục vụ cho bà con dân làng còn tiêu thụ ra ngoài góp phần hồi sinh một nghề truyền thống cha ông truyền lại, nâng cao đời sống người dân ngày một tốt hơn.
 
Nghệ thuật điêu khắc tượng gỗ dân gian là một di sản văn hóa đặc sắc của hai dân tộc thiểu số tại chỗ. Từ những dụng cụ thô sơ như rìu, rựa, dao, đục… bằng khối óc sáng tạo và đôi tay khéo léo các nghệ nhân đã sáng tạo nên những tượng gỗ mô phỏng cuộc sống đời thực từ hoa, lá, con vật… đến tính phồn thực trong đời sống con người. Nó vừa là tác phẩm nghệ thuật vừa là sản phẩm mang ý nghĩa tâm linh, mang tính xã hội và cộng đồng sâu sắc. Một trong những giá trị văn hóa quý giá của đời người.
 
 
 
Người dân làng Ngâm Thung thuộc xã Ia Pêt, huyện Đak Đoa vẫn hằng ngày tạo ra những chiếc gùi với thể loại, kích cỡ khác nhau bán ra thị trường, một trong số đó là những loại gùi nhỏ như một sản phẩm lưu niệm cho du khách. Đặc biệt là tạo ra những chiếc gùi hai lớp rất độc đáo, lớp trong giống như những chiếc gùi bình thường khác, còn lớp ngoài được làm bằng mây trang trí hoa văn đẹp mắt với nhiều màu sắc khác nhau. Những sản phẩm này đòi hỏi tay nghề cao nên chỉ có một số nghệ nhân cao tuổi trong làng mới làm được. 
 
Là một trong số ít những chị em trong làng ngày nay tỉ mỉ bên khung dệt, nhóm phụ nữ làng Chuết Ngol, thành phố Pleiku vẫn còn gìn giữ nét văn hóa truyền thống không bị mai một bởi nhịp sống hiện đại. Để dệt nên một tấm thổ cẩm người dệt rất kỳ công, khó nhất là phần phối hoa văn cho hài hòa, chính vì vậy mỗi một tấm thổ cẩm được dệt nên mang nhiều tâm tư và công sức của người làm. Tông màu đen và đỏ sẫm làm màu nền chủ đạo trên những tấm thổ cẩm. Chủ đề hoa văn cũng được khéo léo lựa chọn là hình ảnh gần gũi với đời sống hàng ngày cùng mong ước cuộc sống hài hòa với thiên nhiên, núi rừng của cộng đồng bản địa.
 
Bên cạnh các giá trị văn hóa từ làng, là những lễ hội gắn với đời sống, là nhịp chiêng, điệu xoang nhịp nhàng vui ngày hội hay những món ăn dân dã đặc trưng thì nghề truyền thống cũng là một trong những sản phẩm du lịch đặc sắc cần phát huy và nhân rộng trong hành trình khám phá những bản làng đặc trưng miền cao nguyên.
 
Bài và ảnh: Võ Thanh Thảo

Tra cứu thông tin

Quy hoạch - Kế hoạch

Dự án đầu tư – Mua sắm công