"Đại ngàn kết nối đại dương"

Ngày đăng: 30/11/2018, 13:11

(GLO)- Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp lữ hành trên cả nước tìm kiếm tuyến điểm, sản phẩm mới phục vụ khách du lịch, từ ngày 22-26/11/2018, Câu lạc bộ du lịch cộng đồng CTC-thành viên của Hiệp hội Lữ hành Việt Nam đã tổ chức Famtrip “Đại ngàn kết nối đại dương” với hành trình Quy Nhơn (Bình Định)-Tuy Hòa (Phú Yên)-Buôn Ma Thuột (Đăk Lăk)-Pleiku (Gia Lai).
 
Những điểm đến là thế mạnh và đặc trưng của mỗi tỉnh đã được đoàn tiến hành khảo sát như Đầm Thị Nại, Hang Kỳ Co, đảo Hòn Khô, Eo Gió (Bình Định); Tháp Nhạn, Ghềnh đá đĩa (Phú Yên); Khu du lịch Buôn Đôn, Vườn lan Troh Bư (Đăk Lăk); Công viên Đồng Xanh, Quảng trường Đại Đoàn Kết (Gia Lai)…  Qua chuyến famtrip này, Câu lạc bộ đã giúp các thành viên lựa chọn, nhận định được tiềm năng của mỗi tỉnh, chọn nhà cung cấp dịch vụ uy tín, chịu trách nhiệm điều tiết dịch vụ tại địa phương, từ đó xây dựng các chương trình tour chung để đưa vào khai thác. Mỗi doanh nghiệp có ý tưởng riêng để thiết kế tour tuyến phù hợp, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách. Điều này còn tạo sự kết nối giữa các nhà kinh doanh dịch vụ lữ hành, làm giảm sự cạnh tranh không lành mạnh ảnh hưởng đến thị trường du lịch.
 
 

Cồng chiêng Tây Nguyên, không gian văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Ảnh: Võ Thanh Thảo

 

Những nhận định, ý kiến đóng góp, trao đổi, phân tích điểm mạnh, điểm yếu của mỗi tỉnh của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trong buổi “Tọa đàm-Kết nối điểm đến-chia sẻ cơ hội” tại TP.Pleiku, tỉnh Gia Lai, từ đó rút ra hướng đi phù hợp cho từng địa phương. Thỏa thuận liên kết, hợp tác phát triển du lịch 4 tỉnh Bình Định, Phú Yên, Gia Lai, Đăk Lăk thành điểm đến mới của du lịch Việt Nam được ký kết vào tháng 4-2016 cũng được sơ kết trong dịp này. Mỗi địa phương đều có những lợi thế, tài nguyên thế mạnh riêng, bởi vậy làm sao để không có sự trùng lặp, đồng điệu giữa các điểm đến, tạo sự khác biệt hấp dẫn du khách là điều khó nhất được đưa ra.

 

Phát biểu trong buổi sơ kết, ông Vũ Thế Bình-Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội du lịch Việt Nam chia sẻ: “Ý tưởng hình thành tour du lịch 4 tỉnh mang đặc sắc riêng của mỗi địa phương, lấy điểm nhấn là tài nguyên núi và biển để biến hành trình này thành điểm đến mới của du lịch Việt Nam trong thời gian tới là sự nhìn nhận, đánh giá cao thế mạnh của 4 địa phương từ Hiệp hội du lịch và các doanh nghiệp lữ hành. Muốn thu hút khách đến phải có sản phẩm hấp dẫn, giá tốt, đưa ra các dịch vụ khuyến mãi nhưng phải chất lượng. Các doanh nghiệp sau những hành trình khảo sát, kết nối cần tập trung xây dựng chương trình khuyến mãi, phải có sự cam kết tăng cường đưa khách về điểm đến, bởi không ai khác chính doanh nghiệp lữ hành là đầu mối, đơn vị kết nối giữa điểm đến và khách du lịch”. Bên cạnh tăng cường các tour tuyến cần tập trung quảng bá sản phẩm lưu niệm đặc trưng của mỗi địa phương, vốn là những sản phẩm lưu lại kỷ niệm cho du khách khi mang về làm quà cho người thân-ông Bình cho biết thêm.
  
 

Các sản phẩm thổ cẩm của xã Glar. Ảnh: Đức Thụy

 

Đại diện doanh nghiệp Sapa Tourist và Gotour Travel- ông Phạm Hoàng Trực chia sẻ: “Một trong những khó khăn mà cả 4 tỉnh đều vướn phải là vấn đề giao thông, hạ tầng, có nhiều điểm đến đường vào đến nơi vẫn còn khó đi. Đa số 4 địa phương đều chưa hướng đến các làng nghề truyền thống, cơ sở sản xuất đồ lưu niệm mang bản sắc vùng miền vốn là thế mạnh, “đặc sản” của du lịch. Thời gian qua, du lịch Quy Nhơn tăng trưởng khá mạnh nên có sự chia sẻ lượng khách với các tỉnh bạn khi thiết kế những lộ trình tour trải rộng, đồng nhất, phù hợp tiêu chí hướng đến “Lên rừng-xuống biển”, chung quy lại là tăng lượng khách đến với 4 tỉnh còn nhiều điều mới lạ với khách du lịch”.

 

Nhiều ý kiến đề xuất được đưa ra bàn luận như ứng dụng công nghệ 4.0 vào quảng bá du lịch; tăng cường truyền thông, quảng bá, chia sẻ kinh nghiệm thành công giữa các tỉnh, các công ty lữ hành trên cả nước; tập trung xây dựng chương trình khuyến mãi, tăng cường bán tour qua mạng trực tuyến. Chú trọng lấy môi trường làm gốc trong phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch cộng đồng và du lịch sinh thái khi chính du lịch đã làm sống lại những giá trị văn hóa truyền thống bản địa. Quảng bá không chỉ là câu chuyện của ngành du lịch, mà là trách nhiệm của cả cộng đồng, mỗi người dân đều có thể là một đại sứ du lịch, hiệu quả, chân thực, nhanh chóng và lan tỏa.
  
 

Ảnh: Đức Thụy

 

Đa số các công ty lữ hành đều ưu ái dành tặng những mỹ từ cho hoa dã quỳ trên núi Chư Đang Ya, huyện Chư Pah, tỉnh Gia Lai, có thể lấy loài hoa dung dị này là biểu tượng của Chư Đang Ya nói riêng, du lịch Gia Lai nói chung. Nên tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến sâu rộng, vốn chưa là điểm mạnh của tỉnh nhà để mỗi thông tin về điểm đến, lễ hội được diễn ra, đặc biệt là sự kiện văn hóa đặc sắc Festival văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên tại Gia Lai năm 2018  đến gần hơn với mỗi du khách, thôi thúc họ lên đường trải nghiệm.

 

Bên cạnh những tín hiệu tích cực đạt được trong “Ngôi nhà Tây Nguyên-Nam Trung Bộ” mà cả 4 tỉnh đã cùng nhau hợp tác, song hành trong các hội chợ, hội thảo, famtrip, hội nghị xúc tiến đầu tư… trong tương lai, gần nhất là hội chợ VITM tại Hà Nội và hội chợ ITE tại TP. Hồ Chí Minh sẽ là cơ hội để 4 địa phương với thế mạnh về tài nguyên biển, rừng hội ngộ sẽ có những bức phá đưa du lịch Tây Nguyên, Nam Trung Bộ khẳng định vị thế.

 

Võ Thanh Thảo 

Tra cứu thông tin

Quy hoạch - Kế hoạch

Dự án đầu tư – Mua sắm công