Giới thiệu - Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai

Tổng quan về Gia Lai

Giới thiệu tổng quan về Gia Lai

Gia Lai là một tỉnh miền núi nằm ở phía Bắc Tây Nguyên trên độ cao trung bình 700 - 800 m so với mực nước biển. Với diện tích 15.536,92 km² (theo Quyết định số 272/QĐ-TTg ngày 27/2/2007 của Thủ tướng Chính phủ), tỉnh Gia Lai trải dài từ 12°58'20" đến 14°36'30" vĩ bắc, từ 107°27'23" đến 108°54'40" kinh đông. Gia Lai là tỉnh rộng lớn nhất trong 5 tỉnh Tây Nguyên, phía Bắc giáp tỉnh Kon Tum, phía Nam giáp tỉnh Đắk Lắk, phía Đông giáp các tỉnh Quảng Ngãi, Bình ĐịnhPhú Yên, phía Tây giáp tỉnh Ratanakiri thuộc Campuchia trên chiều dài 90 km đường biên giới.

Ở đây có khí hậu nhiệt đới gió mùa cao nguyên, một năm có hai mùa: mùa mưa bắt đầu từ tháng 5 và kết thúc vào tháng 10, mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Vùng Tây Trường Sơn có lượng mưa trung bình từ 2.200 đến 2.500 mm, vùng Đông Trường Sơn từ 1.200 đến 1.750 mm. Nhiệt độ trung bình năm là 22-25ºC.

Vị trí về giao thông khá thuận lợi, với 3 trục quốc lộ: Quốc lộ 14 nối với các tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng, các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên, Tp.Hồ Chí Minh, Đông Nam Bộ, vùng Đồng bằng sông Cửu Long; Quốc lộ 19 nối với cảng Quy Nhơn và Campuchia; Quốc lộ 25 nối Gia Lai với tỉnh Phú Yên và duyên hải miền Trung. Đường Đông Trường Sơn Gia Lai nối các tỉnh duyên hải Miền Trung và Tây Nguyên từ Thạch Mỹ (Quảng Nam) đến Suối Vàng (Lâm Đồng). Sân bay Pleiku có các chuyến bay thẳng: Pleiku - Hà Nội, Đà Nẵng; Pleiku – TP Hồ Chí Minh và ngược lại.

Dân số của tỉnh là 1.302.000 người (số liệu thống kê năm 2010), thuộc 34 dân tộc khác nhau. Cư dân Gia Lai có thể chia làm hai bộ phận: Bộ phận cư dân đã sinh sống từ lâu đời ở Gia Lai (còn gọi là cư dân tại chỗ hay cư dân bản địa) gồm có dân tộc Jrai và dân tộc Bahnar, bộ phận cư dân mới đến gồm người Việt (Kinh) và và các dân tộc ít người khác. Dân tộc có số lượng dân cư đông nhất trong tỉnh là: Việt, Jrai và Bahnar. Dân tộc Kinh chiếm gần 54,2%; dân tộc thiểu số chiếm 45,8%, trong đó dân tộc Jrai 30,3%, dân tộc Bahnar 12,5%, còn lại là đồng bào các dân tộc ít người không thuộc bộ phận cư dân tại chỗ, chiếm 3% dân số toàn tỉnh.

Gia Lai có 17 đơn vị hành chính, bao gồm: Thành phố Pleiku, thị xã An Khê, thị xã Ayun Pa, huyện Chư Păh, huyện Chư Prông, huyện Chư Sê, huyện Đak Đoa, huyện Đak Pơ, huyện Đức Cơ, huyện Ia Grai, huyện Ia Pa, huyện Kbang, huyện Kông Chro, huyện Krông Pa, huyện Mang Yang, huyện Phú Thiện, huyện Chư Pưh. Thành phố Pleiku là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa và là trung tâm thương mại của tỉnh, nơi giao nhau của 2 quốc lộ chiến lược vùng Tây Nguyên là quốc lộ 14 theo hướng Bắc Nam và quốc lộ 19 theo hướng Đông Tây; là điều kiện thuận lợi để giao lưu phát triển kinh tế - xã hội với vùng duyên hải Nam Trung bộ, cả nước và Trung tâm khu vực Tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia.

Về văn hóa: Các sự kiện văn hóa tiêu biểu đã được tổ chức tại Gia Lai: Đại hội đoàn kết các dân tộc Tây Nguyên, lễ đón bằng của UNESCO công nhận “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” là “ Kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại”, Festival Cồng chiêng Quốc tế năm 2009 tại Gia Lai, đặc biệt là công trình tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên, Chiều cao của tượng từ mặt sân lên đỉnh là 16,26m. Tượng được đúc toàn khối bằng đồng nguyên chất được làm bằng công nghệ gò ép; khung xương tượng bằng thép không gỉ; chiều cao tượng 10,8m, đứng trên bệ bê tông ốp đá hoa cương cao 4,5m. Bức phù điêu chất liệu đá tự nhiên dày trung bình 30cm, dài 58m, hai bên cao 10,5m, chính giữa cao 12,5m. Mẫu phù điêu với nhiều cánh sen cách điệu phía sau và 2 bên Tượng Bác. Đặc biệt phía sau Tượng Bác và phù điêu được đắp quả đồi mô hình núi Hàm Rồng, diện tích xây dựng 7.820m2, đỉnh cao nhất là 15m. Quảng trường Đại Đoàn Kết có diện tích rộng 23.823m2, trong đó là những thảm cỏ lá gừng xanh mượt được chia thành ô kích thước (6x9m), thuận tiện cho việc tổ chức các sự kiện lớn (công trình được khánh thành vào cuối năm 2012).

Có các lễ hội văn hóa dân gian đặc trưng như Lễ bỏ mả, Lễ đâm trâu, Lễ mừng lúa mới, Lễ cầu mưa...

Về Thể thao: Có Câu lạc bộ bóng đá Hoàng Anh Gia Lai với học viện bóng đá HAGL– Arsenal JMC chuyên đào tạo cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp; đội bóng chuyền Đức Long Gia Lai; Đội bóng chuyền Thể công Binh đoàn 15.

Về Du lịch: Có các điểm như Biển Hồ, Thủy điện Ia Ly, Chùa Minh Thành, Thác Phú Cường, Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh, Công viên Văn hóa Đồng Xanh...

Diện tích: 15.536,9 km²

Dân số: 1.161,7 nghìn người (năm 2006)

Tỉnh lỵ: Thành phố Pleiku

Các huyện:

     - Thị xã: An Khê, Ayun Pa

     - Huyện: Chư Păh, Chư Prông, Chư Sê, Đức Cơ, la Grai, Kbang, Krông Pa, Kông Chro, Mang Yang, Đắk Đoa, la Pa, Đak Pơ, Phú Thiện, Chư Pưh.

Dân tộc: Việt (Kinh), Gia Rai, Ba Na, Tày. 

Tra cứu thông tin

Quy hoạch - Kế hoạch

Dự án đầu tư – Mua sắm công