Một làng Jrai có hai dòng thác

Ngày đăng: 18/08/2021, 07:50

Do cấu tạo địa hình, Tây Nguyên nói chung, Gia Lai nói riêng là quê hương của hàng trăm dòng thác lớn nhỏ. Có sông suối là có thác. Thác như một nét đẹp riêng độc đáo của vùng đất này. Vì nhiều lý do khác nhau, trong đó có nguyên nhân thủy điện, số lượng các thác nước ở Gia Lai đang có xu hướng giảm dần.
 
May mắn, trong quá trình điền dã vừa qua, chúng tôi tình cờ được biết tại làng Thung, xã Ia Kly, huyện Chư Prông có đến hai thác nước. Thác nước thứ nhất có tên là Jrai Glong (Thác Cao); thác nước thứ hai là Jrai Bui - Thác Heo. Sở dĩ dân làng gọi như vậy là vì, ngày trước, khi núi rừng còn rậm rạp, một con heo rừng đã chọn chỗ này làm nơi ở. Cũng có người kể, thời xa xưa, đây từng là nơi loài động vật hoang dã ấy thường ghé lại tắm táp.
 
Đoạn đường khá thơ mộng dẫn đến 2 dòng thác ở làng Thung. Ảnh N.Q.T
 
Cả Jrai Glong và Jrai Bui đều ẩn mình giữa những rẫy cà phê, bụi rậm. Để tới được chỗ các dòng thác, du khách sẽ phải vượt qua một đoạn đường đất đỏ hơi dốc. Bù lại, người tham quan có thể thăm thú khu nhà mồ và bến nước khá đẹp của làng cạnh đường đi.Sau đó, không thể khác, du khách buộc phải men theo lối mòn trên bờ ruộng ớt, xuyên qua rẫy cà phê và một cây cầu khỉ nhỏ xinh, trước khi vạch những khóm dã quỹ ra để chui xuống vị trí gần mép nước của thác.
 
Người dân làng Thung gọi dòng thác này là Jrai Bui tức Thác Heo. Ảnh N.Q.T
 
Nằm trên dòng Ia Mơr vốn chảy từ khu vực xã Ia Băng về, điểm đầu của Jrai Bui sát với ranh giới của Thôn 4, xã Ia Tôr (Chư Prông). Thác này chỉ cao độ vài ba mét nhưng dòng chảy khá mạnh, nên khi đổ tràn lên đầu những hòn đá nhấp nhô, khiến bọt nước tung trắng xóa khá đẹp. Một điểm nhấn khác ở Jrai Bui là nó sở hữu một vách đá cổ nhỏ, xinh xắn bên phía tay phải của dòng chảy, nhìn từ chân thác.
 
Đổ xuống từ độ cao 5-6m, Jrai Glong/Thác Cao là niềm tự hào của làng Thung. Ảnh N.Q.T
 
Cách Jrai Bui khoảng 300 mét về hướng hạ nguồn, Jrai Glong là niềm tự hào của nhiều người dân làng Thung. Đúng như tên gọi, Thác Cao buông từ trên xuống một dòng nước khoảng 5-6 mét, tạo ra những âm thanh lớn, có thể nghe thấy từ xa.Cạnh Jrai Bui có một cổ thụ tỏa bóng mát và khá nhiều phiến đá phẳng có thể dùng làm bàn hoặc nơi ngồi chụp ảnh. Hoang sơ như vốn có, dòng thác này được dân làng rất yêu quý.
 
Jrai Glong và Jrai Bui chưa từng đón bất kì du khách nào từ bên ngoài làng Thung tới. Mùa nắng, thi thoảng trong những dịp nông nhàn hoặc lễ lạt, một số thanh niên Jrai đã chọn nơi này để tắm hoặc tổ chức liên hoan nhẹ trên những phiến đá, bụi cây. Nếu đến khám phá nơi này, đôi khi du khách sẽ  thấy dưới chân thác một vài người đàn ông ngồi im như tượng – họ đang câu cá. Điểm chung của hai dòng thác này là chúng được cây cối bao phủ và có nước quanh năm. Đó cũng là nguồn nước tưới chính đối với các rẫy cà phên xung quanh của dân làng.
 
Gặp chúng tôi tại bến nước làng Thung, chị Rơmah Men, sinh năm 1987 nói: Khi còn trẻ, mình thường chơi chỗ hai thác nước ấy. Nhà mình có rẫy cà phê gần Jrai Glong, những lúc đi làm, nghe tiếng thác kêu ầm ầm biết là nước nhiều thì thích lắm. Khi nào không nghe tiếng thác, biết là nước suối không còn nhiều, ai cũng buồn.
 
Ông Rahlan Jit, sinh năm 1952, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Ia Kly, hiện  cư trú tại làng Thung cho biết: Hai thác này có từ bao giờ thì không rõ, nhưng ai cũng thích Jrai Glong và Jrai Bui. Chúng là những nơi gần gũi, thân quen với mọi người, cả già và trẻ. Nếu không có thác, những ngày nắng nóng, những lúc rảnh rang, người ta đi tắm hay câu cá chỗ nào, ông Jit thân thiện nêu câu hỏi.
 
Trong phạm vi cộng đồng, hai thác nước của làng Thung là những cảnh đẹp hiếm hoi còn sót lại. Mong rằng Jrai Glong và Jrai Bui sẽ còn mãi với thời gian, như niềm tự hào của những người Jrai ở vùng đất này về các di sản thiên nhiên của mình.
 
NGUYỄN QUANG TUỆ

Tra cứu thông tin

Quy hoạch - Kế hoạch

Dự án đầu tư – Mua sắm công